Một ngày 2 vụ tai nạn đường sắt, Phó Thủ tướng yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân
Tối muộn 4/2, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình đã có công điện về các giải pháp cấp bách kéo giảm tai nạn giao thông tại đường ngang qua đường sắt.
Theo đó, chỉ trong ngày 4/2, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 2 vụ TNGT liên quan đến đường sắt, gây hậu quả nặng nề.
Cụ thể, hồi 15h20, tại đường ngang dân sinh (phòng vệ bằng biển báo) tại Km 98 + 812 trên Đường sắt Bắc -Nam thuộc địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tàu TN1 va vào 1 ô tô 16 chỗ ngồi, hậu quả 1 người chết tại chỗ (lái xe), 5 người bị thương nặng.
Hồi 16h05 tại đường ngang Km 21+500 trên Đường sắt Hà Nội – Hải Phòngthuộc địa bàn Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên tàu LP5 va vào xe ô tô 4 chỗ ngồi vượt đường ngang dân sinh, hậu quả làm 1 người bị thương nặng, 2 người bị thương.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt tại Nam Định chiều 4/2 làm 1 người chết tại chỗ, 5 người bị thương nặng
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, nguyên nhân của tình hình này có nguồn gốc trực tiếp từ hành vi vi phạm quy định pháp luật của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông qua đường ngang, lối đi dân sinh. Đồng thời, cũng cần xác định trách nhiệm của UBND một số tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT tại các đường ngang cũng như trong việc xác định và xử lý trách nhiệm của địa phương, đơn vị có liên quan.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Na, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, tỉnh Nam Định, Hưng Yên, điều tra, làm rõ nguyên nhân và các tổ chức, cá nhân gây ra vụ tai nạn;
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề xuất phương án bảo đảm an toàn tại đường ngang trên toàn tuyến, bao gồm cả việc xây dựng đường gom, lập chắn đường ngang để xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh hiện hữu, xác định trách nhiệm cụ thể của đơn vị, địa phương; trước mắt, phải đề xuất phương án và phân công rõ ràng trách nhiệm tổ chức cảnh giới an toàn cho toàn bộ đường ngang, bao gồm cả lối đi dân sinh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương: Tổ chức thực hiện cảnh giới bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt không có rào chắn; yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt trên địa bàn cung cấp lịch trình chạy tàu để tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn tại các đường ngang có người qua lại thường xuyên, kể cả đường ngang dân sinh; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông đường sắt, rà soát hệ thống đường ngang qua đường sắt.
Ngân Tuyền (ANTĐ)