Hà Nội sẽ mở tuyến buýt nhanh Kim Mã - Hòa Lạc

| Thị trường
Xếp hạng 4.3 - 9 đánh giá

Dự kiến trong năm 2017, Hà Nội sẽ triển khai tuyến buýt nhanh (BRT) số 2 - lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc, từng bước mở rộng khối lượng vận tải khách công cộng trên địa bàn thành phố

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố đã nhận được Tờ trình Đề án tuyến BRT số 2 Kim Mã - Hòa Lạc của Sở GTVT và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Trong năm 2017, thành phố sẽ xem xét triển khai, trên cơ sở kinh nghiệm vận hành từ tuyến buýt nhanh số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về dự án BRT số 02 này.

Hà Nội sẽ mở tuyến buýt nhanh Kim Mã - Hòa Lạc

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

- PV: Việc đầu tư mở tuyến buýt nhanh số 02 có thực sự cần thiết không, thưa ông?

- Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Tôi cho là rất cần thiết. Bởi, hiện nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có khoảng 20.000 cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đến làm việc, học tập hàng ngày. Nếu có xe buýt BRT vận chuyển khối lượng lớn, chúng ta sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại cho số cán bộ, sinh viên này hàng ngày, đồng thời hạn chế được hàng vạn phương tiện cá nhân lưu thông trên trục đường nối trung tâm với khu vực này.

- PV: Vậy cách thức triển khai tuyến buýt nhanh số 02 sẽ như thế nào, thưa ông?

- Hà Nội sẽ cân nhắc trên cơ sở đặc thù của điều kiện , cũng như tận dụng điều kiện hạ tầng của tuyến BRT số 01. Hiện nay, có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tuyến buýt BRT 02, đặc biệt là về hạ tầng và phương tiện. Lượng xe buýt BRT nhập về theo dự án ban đầu là 35 chiếc. Trong khi đó, tuyến buýt nhanh số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa mới sử dụng 24 chiếc, vẫn còn 11 chiếc. Như vậy, chúng ta đã có sẵn lượng phương tiện để đưa vào hoạt động trên tuyến BRT 02 mà không phải đầu tư. 

Ngoài ra, lộ trình của tuyến BRT 02, đoạn trong nội thành cũng trùng với lộ trình tuyến BRT 01, có sẵn 6 nhà chờ đoạn từ Kim Mã ra đến Lê Văn Lương. Với hệ thống nhà chờ có sẵn, chúng ta chỉ cần bổ sung thêm 1 - 3 nhà chờ nữa trên tuyến Đại lộ Thăng Long là hoàn thiện. Tại điểm cuối Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý khu cũng đã thống nhất sẽ tự xây dựng khu nhà chờ để phục vụ hành khách. Trong khu vực nội thành, xe buýt BRT 02 vẫn sẽ đi chung làn đường riêng với tuyến BRT 01. Ra khỏi trung tâm, xe sẽ chạy trên Đại lộ Thăng Long, không cần làn đường riêng vẫn đủ điều kiện vận hành theo đúng chuẩn buýt nhanh.

- PV: Liệu tuyến BRT 02 có gặp nhiều khó khăn như tuyến 01 không, thưa ông?

- Tuyến BRT 01 là tuyến đầu tiên chúng ta thực hiện nên không thể tránh khỏi những khó khăn về vốn, về tiến độ, về cách thức thực hiện... Nhưng với tuyến BRT 02 này, tôi tin chắc sẽ loại trừ được hầu hết vấn đề phát sinh đó. Chúng ta đã có sẵn hạ tầng, phương tiện, có kinh nghiệm tích lũy được từ tuyến BRT 01, có sự ủng hộ của nhân dân thì không có gì phải lo ngại. Trên cơ sở thực tế vận hành tuyến buýt nhanh số 01 và 02, Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm và xem xét mở các tuyến buýt nhanh tiếp theo. 

Hà Nội sẽ mở tuyến buýt nhanh Kim Mã - Hòa Lạc

Hà Nội sẽ xem xét mở tuyến buýt nhanh BRT 02 Kim Mã - Hòa Lạc

- PV: Mục tiêu phát triển vận tải khách công cộng trong thời gian tới của Hà Nội được đặt ra như thế nào, thưa ông?

- Năm 2016, vận tải khách công cộng mới đáp ứng được 14-15% nhu cầu đi lại của nhân dân, trong khi mục tiêu đến năm 2020, chúng ta phải đáp ứng được từ 20-25% nhu cầu. Như vậy, mỗi năm trung bình chúng ta phải tăng trưởng thêm 2%. Trên cơ sở này, Sở GTVT sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới xe buýt.

Tại Đề án giảm phương tiện cá nhân trình UBND TP Hà Nội, Sở có đề cập đến việc này, trong đó nhấn mạnh việc khai thác hợp lý mạng lưới hạ tầng đang có, giảm bớt đầu tư của ngân sách. Chúng tôi đang rà roát để nâng cao hiệu quả hoạt động, với mục tiêu mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng phục vụ, tăng số lượng vận chuyển nhưng cũng tiến tới giảm trợ giá từ ngân sách.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay