Xe "nhồi nhét" vẫn phổ biến

| Thị trường
Xếp hạng 3.8 - 9 đánh giá

Sau 3 ngày nghỉ lễ (30-12-2016 đến ngày 2-1-2017), người dân ở khắp các tỉnh, thành phố đổ về Thủ đô để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm 2017.

Xe

Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 2-1, bến xe Mỹ Đình không còn thấy cảnh đông đúc như thường lệ. Đại diện bến xe Mỹ Đình cho hay, do từ sáng 2-1, bến Mỹ Đình đã bắt đầu điều chuyển khoảng 400 lượt xe đi các tỉnh phía Nam gồm Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và Nghệ An về bến xe Nước Ngầm và bến xe Yên Nghĩa nên lượng khách đã không còn đông như các dịp nghỉ lễ trước đây. Cũng bởi lượng xe về bến này giảm nên áp lực lên khu vực đường Phạm Hùng và quanh bến xe giảm mạnh, đường đã khá thông thoáng.

Trong khi đó, áp lực giao thông dồn lên tuyến đường Giải Phóng - khu vực bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát, đặc biệt là từ 15h đến 19h tối 2-1. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho hay, từ sáng 2-1, lượng khách qua bến không có sự đột biến. Tuy nhiên, khoảng 16h cùng ngày, lượng khách qua bến đông hơn so với ngày thường khoảng 40%. Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực ra vào cửa bến, bến xe đã phối hợp với lực lượng CSGT, CSTT và thanh tra giao thông phân luồng, xử lý xe chạy lòng vòng quanh cổng bến xe. 

Áp lực giao thông lớn nhất là tại nút Pháp Vân - Giải Phóng do toàn bộ lượng khách đi phía Nam các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đã chuyển từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm. Đại diện thanh tra GTVT thuộc Tổ công tác số 2 được thành lập theo chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội để phân luồng khu vực bến Nước Ngầm thông tin, từ cuối giờ trưa  2-1, khu vực cổng ra vào bến xe Nước Ngầm đã khá “căng”. Đặc biệt, từ chiều muộn cùng ngày,  lượng phương tiện tăng đột biến, cộng với xe cá nhân đổ về ngày càng nhiều khiến lực lượng chức năng phải vất vả phân luồng nhưng vẫn xảy ra ùn tắc cục bộ.

Dù chỉ có 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2017 nhưng do lượng khách đông hơn so với ngày thường, lại tập trung trong ngắn hạn nên cảnh nhồi nhét và hét giá vẫn diễn ra. Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên (trú tại thị trấn Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) di chuyển từ Uông Bí (Quảng Ninh) về Mỹ Đình (Hà Nội) bức xúc: “Tôi lên xe từ bến xe Uông Bí, về bến Mỹ Đình, ngay lúc lên xe đã khá đông khách, nhưng vẫn còn được ngồi 1 ghế. Song đi dọc đường, nhà xe tiếp tục bắt khách và cuối cùng thì dọc lối đi đã không còn một chỗ trống, toàn bộ được kê ghế nhựa kín đặc”. Đáng nói, theo phản ánh của chị Liên cũng như nhiều hành khách trong chiều 2-1, tất cả các xe đều chở quá số người quy định, dù là nhiều hay ít nhưng rất ít xe bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Bà Trần Thị Mai Lan ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình cho biết, do có việc gia đình nên gần 16h chiều 2-1 bà Lan mới có thể bắt xe để trở lại Hà Nội, nhưng hầu hết các xe chạy từ Thanh Hóa, Vinh ra đến Ninh Bình đã chật khách. Xe từ Ninh Bình đi cũng đông không kém. Đáng nói, nhà xe thu tiền vé đồng giá, dù khách lên xe từ Ninh Bình hay Nam Định hay Hà Nam (để đi Hà Nội) đều phải chịu một mức vé tiền xe như nhau.

Trong khi đó, đến cuối ngày 2-1, đại diện các bến xe đều cho biết, chưa tiếp nhận phản ánh nào của người dân liên quan đến việc nhà xe chặt chém, tăng giá vé bất thường cũng như nhồi nhét. “Ngay từ đầu kỳ nghỉ, chúng tôi đã ký cam kết với 100% nhà xe hoạt động tại bến, nếu xe nào tự ý tăng giá vé mà có phản ánh của người dân, chúng tôi kiểm tra phát hiện sẽ xử lý nghiêm. Có thể cắt nốt 1 tháng”, ông Nguyễn Mạnh  Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ  Đình cho hay. Rõ ràng, người dân chưa có thói quen phản ánh vi phạm của nhà xe với lực lượng chức năng hoặc sau một hành trình mệt mỏi, nhiều người có tâm lý muốn về nhà cho xong chứ không cần thêm những khiếu nại rắc rối...

Hải Dương (ANTĐ)

SourceXeHay