Điều chuyển luồng tuyến giảm ùn tắc: Hoàn toàn vì lợi ích chung
Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc điều chuyển hơn 20.000 lượt xe khách liên tỉnh từ ngày 2-1-2017 hoàn toàn vì lợi ích chung của thành phố, nhằm giảm ùn tắc.
Ngày 30-12-2016, Bộ GTVT đã có công văn số 15792/BGTVT-VT gửi UBND TP Hà Nội thống nhất phương án điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh của thành phố. Sở GTVT Hà Nội cũng đã đối thoại với 25 doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình đi các tuyến phía Nam gồm Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa. Tại cuộc họp, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc điều chuyển không có lợi ích nhóm.
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tăng cường xe buýt chở khách miễn phí từ Mỹ Đình đi bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm
Điều chuyển để giảm ùn tắc
Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, theo định hướng quy hoạch luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh đã được Bộ GTVT phê duyệt, Sở sẽ điều chỉnh 691 nốt với 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày), tập trung chủ yếu vào 3 bến xe lớn gồm Mỹ Đình, Giáp Bát và Nước Ngầm. Sở GTVT Hà Nội cũng đã gửi thông báo đến các Sở đối lưu cũng như các Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải liên quan. Thời gian thực hiện điều chỉnh chính thức bắt đầu từ 0h ngày 2-1-2017.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở GTVT Hà Nội ghi nhận sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đối với hoạt động vận tải khách trên địa bàn thành phố. Cụ thể, từ năm 2003, khi bến xe Mỹ Đình còn thưa thớt, nhiều doanh nghiệp vận tải đã tập trung về đây hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thành phố phải điều chuyển là để thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông. “Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đường vành đai 3 đã trở thành đường nội thành. Các tuyến trước đây ít khách, giờ lại tăng nhanh dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng”, ông Vũ Văn Viện thông tin.
Theo ông Vũ Văn Viện, Quyết định số 2288 của Bộ GTVT năm 2015 nêu rõ quy hoạch luồng tuyến và định hướng quy hoạch ổn định cả trung và dài hạn. “Nếu chúng tôi thực hiện không đúng quy hoạch, các doanh nghiệp có thể khởi kiện Sở GTVT Hà Nội, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Vũ Văn Viện khẳng định và cho biết thêm, Sở đã cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) rà soát hơn 4.700 tuyến xe ở 5 bến xe chính để điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh. “Chúng tôi làm công khai, trên cơ sở đúng nguyên tắc, yêu cầu giảm ùn tắc giao thông, không có lợi ích nhóm nào ở đây. Từ đó, chúng tôi đưa ra nốt, tuyến nào phải điều chỉnh. Không có chuyện thiên vị doanh nghiệp này doanh nghiệp kia”, ông Vũ Văn Viện khẳng định.
Sẽ có biện pháp xử lý
Liên quan đến việc vì sao lại điều chỉnh đúng dịp Tết, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia cũng chỉ đạo dịp cao điểm Tết này phải giảm ùn tắc giao thông. Đúng là việc điều chuyển có khó khăn nhưng cũng là cơ hội giảm ùn tắc. “Hiện nay, có tình trạng một số doanh nghiệp và nhà xe không chấp hành đúng quy định, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hành khách tại tỉnh mình. Chúng tôi phê phán những hành động này. Nếu các doanh nghiệp không chấp hành, chúng tôi sẽ buộc phải có những biện pháp xử lý theo quy định”, Giám đốc Sở GTVT cho biết.
Trong khi đó, trong ngày 31-12-2016 và 1-1-2107, các nhà xe trong diện bị điều chuyển vẫn chưa đón khách trở lại. Đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội thông tin, hàng chục lượt xe từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An... không đến bến hoặc vào bến trả khách. Có nhà xe vẫn đăng tài, xếp nốt nhưng không đón khách về. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã phải tiếp tục tăng cường xe buýt chở khách miễn phí từ Mỹ Đình sang các bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm.
Tại buổi đối thoại với Sở GTVT Hà Nội vừa qua, nhiều doanh nghiệp vận tải thuộc diện bị điều chuyển sang bến Nước Ngầm bày tỏ băn khoăn, ngoài việc phí cao gấp 6 lần so với bến Mỹ Đình thì bến Nước Ngầm còn rất nhiều bất cập. “Xe vào bến Nước Ngầm chỉ được đỗ 20 phút. Trong thời gian chờ đợi, doanh nghiệp phải đưa xe ra bãi ngoài đỗ, tốn kém thêm khoảng 150.000 đồng/ngày, cùng với khoảng 700.000 đồng/lượt lệ phí bến nữa thì doanh nghiệp rất khó khăn. Hơn nữa, vị trí bến Nước Ngầm lại ở ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng, nơi vốn thường xuyên ùn tắc nên nếu tiếp nhận thêm hơn 400 lượt xe/ngày liệu có quá tải?”, đại diện Công ty Vận tải Ninh Bình chưa hết lo lắng.
Hải Dương (ANTĐ)