Taxi công nghệ: Giá cước ngoài "vùng phủ sóng"
Bộ Tài chính vừa yêu cầu các hãng taxi, vận tải khách tuyến cố định phải giữ ổn định giá, không được tăng cước bất thường. Tuy vậy, giá cước taxi công nghệ... lại đang nằm ngoài tầm quản lý.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị yêu cầu bình ổn giá cả dịp cuối năm, trong đó nhấn mạnh ổn định giá Cước đối với loại hình vận tải taxi và xe khách liên tỉnh tuyến cố định.
Chỉ thị của Bộ Tài chính nhấn mạnh, đối với giá cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi yêu cầu Sở Tài chính phối hợp để Sở GTVT tiếp nhận kê khai giá từ ngày 1-1-2017 theo quy định; tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ Tết, dịp cao điểm để tăng giá ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Taxi Công Nghệ thoải mái tăng cước
Vô tư tăng giá cước
Tuy vậy, loại hình vận tải ứng dụng công nghệ vào xe hợp đồng, còn được gọi với cái tên taxi công nghệ hay taxi online đang hoạt động ngoài vòng kiểm soát về giá cước của cơ quan chức năng. Hiện nay, Bộ GTVT đã cấp phép cho một số đơn vị hoạt động thí điểm loại hình vận tải này như Uber, Grab và mới đây là Thành Công Car của Công ty CP vận tải 57 với ứng dụng Taxi 57.
Đáng nói, trong khi taxi truyền thống, thậm chí là vận tải khách tuyến cố định liên tỉnh bị kiểm soát chặt chẽ về giá cước dịp cuối năm, sẽ bị phạt nặng nếu lợi dụng lễ Tết để tăng giá thì loại hình taxi công nghệ lại tha hồ tận dụng dịp này để kiếm bộn tiền.
Việc taxi công nghệ không bị quản lý giá cước đang gây ra tình trạng bất bình trong hệ thống các doanh nghiệp taxi.
Theo quy định, loại hình xe chở khách theo hợp đồng sẽ không phải đăng ký giá cước mà tùy theo sự thỏa thuận giữa hành khách và nhà xe. Như vậy, nghiễm nhiên xe hợp đồng ứng dụng công nghệ hỗ trợ như Uber sẽ không phải đăng ký giá cước, không chịu kiểm soát. Hậu quả của việc này là các loại hình taxi công nghệ tùy tiện tăng giá cước vào giờ cao điểm, vào những ngày mưa, những ngày lễ Tết. Cước phí có thể tăng gấp đôi, gấp ba lần so với giá mà các hãng này quy định.
Vào ngày 4-11 vừa qua, Uber thông báo tăng giá cước lên 25% tại thị trường Hà Nội đối với loại hình UberX. Nhưng theo tính toán, giá cước hiện tại của Uber được áp dụng trên địa bàn Hà Nội đối với UberX là 7.500 đồng/km, nghĩa là tăng 50% so với giá cước cũ chỉ 5.000 đồng/km và cao hơn mức cước ở Sài Gòn (7.000 đồng/km). Chị Nguyễn Thu Trang ở Minh Khai, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Có lần tôi di chuyển từ Minh Khai, quận Hoàng Mai đi Nguyễn Sơn, Long Biên vào giờ cao điểm buổi trưa bằng UberX và số tiền phải trả cho hành trình này là 218.000 đồng. Từ đó, tôi nói không với Uber và xóa luôn ứng dụng này trên điện thoại”.
Lái xe cũng khổ
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội bày tỏ, loại hình xe hợp đồng ứng dụng công nghệ như Uber thực chất là taxi. “Hoạt động tương tự xe taxi, chỉ là họ có ứng dụng công nghệ hỗ trợ kết nối hành khách qua điện thoại thông minh nhưng lại nằm ngoài vòng quản lý của cơ quan chức năng. Cả ngành GTVT và ngành Tài chính đều cho rằng, đây là xe hợp đồng nên không thuộc diện quản lý giá cước. Và nghiễm nhiên họ có thể tăng giá cước vô tội vạ”, ông Đỗ Quốc Bình bày tỏ.
Không những nằm ngoài vùng phủ sóng về giá cước mà theo phản ánh của nhiều lái xe tham gia Uber, thời gian gần đây, Uber ngày càng siết chặt về chính sách đối với lái xe khiến nhiều người muốn bỏ nhưng vì đã trót sắm xe chạy Uber nên đành ngậm ngùi chịu trận.
Anh Đặng Thành C., một lái xe chạy Uber gần 1 năm qua cho biết, với chính sách như hiện nay, một ngày ít nhất lái xe phải online 10 tiếng mới kiếm đủ số tiền 900.000 đồng. Dựa trên mức thu nhập mỗi ngày của lái xe, Uber sẽ cắt lại 20% phí, lái xe hưởng 80%. “Đã trót vay mượn để mua chiếc xe chạy Uber nên dù khó khăn cũng phải cố. Nhiều lái xe Uber đã bỏ hoặc “chạy” sang nơi khác, nhưng đâu cũng vậy thôi, chính sách do họ xây dựng và không chịu sự quản lý, kiểm soát của bên nào nên thay đổi xoành xoạch”, lái xe Đặng Thành C. cho hay.
Nhiều lái xe cho rằng, thời điểm đầu mới xuất hiện ở Việt Nam, để cạnh tranh với taxi truyền thống nên taxi công nghệ tung khá nhiều chiêu, từ giá cước rẻ để thu hút hành khách đến thu nhập cao để hút lái xe. Khi đã có một lượng khách hàng cũng như lái xe nhất định, các hãng đều siết chặt. Người chịu thiệt chính là khách hàng và những người phải vay mượn, cầm cố ngân hàng để mua xe chạy taxi công nghệ.
Ngân Tuyền (ANTĐ)