Làm gì khi mua phải xe gian?
LTS: Tại chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Báo An ninh Thủ đô số 4877 ra ngày 15-12-2016, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Văn phòng Luật sư Bross & Partners đã phân tích và tư vấn về tình huống pháp luật: “Làm gì khi mua phải xe gian?” theo câu hỏi của ông Lê Th
Tình huống pháp Luật
- Hỏi: Tôi là thợ sửa xe, thu nhập trung bình. Năm ngoái tôi mua được một chiếc xe ga biển kiểm soát ngoại tỉnh với giá rẻ, sau đó sửa chữa lại và bán cho người khác, lãi 3 triệu đồng. Tuy nhiên gần đây người bán xe quay lại, nói đó là xe trộm cắp, đòi tôi “nộp” 5 triệu đồng để không trình báo công an. Xin hỏi trong trường hợp này tôi phải làm gì? Tôi có phạm tội không?
LÊ THẾ SANG (Quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng)
Ý kiến bạn đọc
Không phạm tội
Theo như nội dung vụ việc, người mua một chiếc xe mà không biết chiếc xe đó là do ăn cắp mà có, nên giao dịch giữa người mua và người bán là giao dịch vô hiệu. Theo Điều 137, Bộ luật Dân sự, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Tuy nhiên khi người bán xe quay lại cho biết đó là xe trộm cắp, đòi người mua xe “nộp” 5 triệu đồng để không trình báo công an. Theo tôi, để bảo vệ quyền lợi của mình người mua xe cần làm đơn trình báo với cơ quan công an để đòi lại số tiền đã bỏ ra mua chiếc xe đó.
Đỗ Thúy Hằng (Tiên Du - Bắc Ninh)
Có thể tiêu thụ tài sản người khác phạm tội
Trong vụ việc tố giác hành vi tống tiền của kẻ bán xe gian này không nhắc tới việc giao dịch chiếc xe có kèm giấy tờ xe và giấy tờ mua bán hay không, nhưng theo nhận định của tôi, khi người thợ sửa xe mua chiếc xe ga mang biển kiểm soát ngoại tỉnh với giá rẻ, rất có thể người mua đã biết chiếc xe này là tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn quyết định mua với mục đích sửa chữa lại bán cho người khác để lấy lãi 3 triệu đồng. Điều 250, Bộ luật Hình sự quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo đó người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm… Nếu người mua xe chứng minh được rằng mình vô tình mua phải xe do người khác phạm tội cần thông báo với cơ quan công an để giải quyết.
Nguyễn Thế Anh (Quận Tân Bình - TP.HCM)
Phải làm rõ xem có việc “thỏa thuận ngầm” hay không?
Mục đích mua xe của người thợ sửa xe là để bán lại cho người khác nhằm kiếm lời. Rất có thể khi mua xe giữa người mua và người bán đã có thỏa thuận ngầm với nhau và đây chính là lý do người bán xe sau đó đã quay lại “tống tiền” người mua. Nếu cơ quan công an làm rõ người mua và người bán xe đã có hứa hẹn và thỏa thuận trước thì người mua sẽ là đồng phạm về tội trộm cắp tài sản. Theo quy định tại Điều 138, Bộ luật Hình sự, về nguyên tắc, những người đồng phạm trong cùng một tội phạm sẽ bị xử lý như nhau. Song có thể căn cứ vào tính chất hành vi của từng người phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự, mà mỗi người đồng phạm có thể sẽ có mức hình phạt khác nhau.
Hoàng Thế Hà (Đông Triều - Quảng Ninh)
Nên đến cơ quan công an trình báo
Trong trường hợp này bạn nên đến ngay cơ quan công an nơi bạn cư trú trình báo toàn bộ sự việc. Trên cơ sở trình báo của bạn, cơ quan công an tiếp nhận và xác minh thông tin. Theo đó, cơ quan công an sẽ tiến hành làm các thủ tục mời người bán phương tiện cho bạn, bạn và người mua xe của bạn lên cơ quan công an để tiến hành xem xét, điều tra truy nguồn gốc của phương tiện. Đồng thời, cơ quan công an sẽ tra cứu qua tàng thư xem phương tiện đó có nằm trong tang vật vụ án hay không… Qua xác minh, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan công an sẽ tiến hành lập hồ sơ, rồi chuyển đến cơ quan công an điều tra cấp quận, đồng thời huyện quản lý địa bàn xử lý theo quy định.
Đối với giao dịch của bạn với người mua chiếc xe này, có thể căn cứ vào quy định tại Điều 132 BLDS về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Bởi “khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Như vậy, giao dịch của bạn với người thứ ba cũng bị vô hiệu. Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Việc bạn mua và bán chiếc xe máy đó là không có tội do bạn không biết chiếc xe đó là xe gian.
Về phía người bán xe cho bạn, nếu anh ta biết đó là xe gian nhưng vẫn bán cho bạn, anh ta có thể phải chịu trách hiện hình sự về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ngoài ra, hành vi đe dọa của người bán có dấu hiệu của hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Hoàng Huy Được (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Chủ sở hữu hợp pháp có quyền đòi lại tài sản
Những năm gần đây, việc mua bán sang tay xe máy khá phổ biến, xe máy được mua đi bán lại qua nhiều người khác nhau nhưng không làm thủ tục sang tên (chuyển nhượng, cho tặng). Nhiều trường hợp thấy người bán có đầy đủ giấy tờ xe thì cho đó là tin cậy được nên đã đồng ý mua mà không lường trước được rủi ro bởi lẽ, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Theo trình bày của bạn, nếu quả thực bạn đã mua một chiếc xe mà không biết chiếc xe đó là do ăn cắp mà có thì giao dịch giữa bạn và người bán là giao dịch vô hiệu. Bạn sẽ được hoàn trả lại số tiền đã mua xe ban đầu nếu bạn đang sử dụng xe máy đó. Do bạn đã bán xe máy đó cho người khác nên bạn có trách nhiệm trả lại số tiền tương ứng với giá trị chiếc xe đó. Sau đó để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần làm đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán xe gửi lên tòa án để đòi lại số tiền mà bạn đã bỏ ra mua chiếc xe đó.
Do xe máy thuộc loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, nên chủ sở hữu hợp pháp có quyền đòi lại tài sản từ người mua xe ngay tình. Người mua này có quyền đòi lại tiền đã mua từ người bán chiếc xe cho mình, vấn đề này được quy định tại Điều 258 BLDS.
Người bán xe cho bạn quay lại nói đó là xe trộm cắp, đòi bạn “nộp” 5 triệu đồng để không báo công an. Nếu quả thực xe đó là xe trộm cắp mà người bán xe cho bạn biết việc đó thì việc này có thể cấu thành tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Chuyên gia Tư Vấn pháp luật Trần Văn Minh (Công ty Luật TNHH một thành viên Long Hà)
Chưa thể khẳng định có bị xử lý hình sự hay không
Về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT, ngày 30-11-2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VKSND tối cao và TAND tối cao đã hướng dẫn áp dụng khá cụ thể. Theo đó, “biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có” có nghĩa là phải có căn cứ chứng minh người chứa chấp, tiêu thụ tài sản trực tiếp biết được tài sản đó do người thực hiện hành vi phạm tội có được hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác từ người thực hiện hành vi phạm tội. Tiếp đến là đối tượng của loại tội phạm này phải là tài sản do người khác phạm tội mà có…
Đối với tình huống này, mấu chốt ở chỗ cần phải làm rõ ý thức chủ quan của chủ cửa hàng sửa chữa xe máy ở thời điểm mua bán chiếc xe máy tay ga. Khi ấy, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy có biết được thông tin về tài sản đem ra mua bán là tài sản có được từ một vụ phạm pháp hay không. Bởi lẽ, về nguyên tắc xe máy là loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan Nhà nước và phải thực hiện thủ tục “sang đổi chủ”. Thế nên khi mua bán loại tài sản này, người mua cần phải tìm hiểu và quan tâm đến đăng ký phương tiện hoặc giấy tờ hợp pháp khác. Trường hợp nếu chủ cửa hàng bị người bán lừa dối như dùng giấy tờ liên quan đến tài sản giả thì anh này không có lỗi và sẽ không bị xem xét, xử lý về mặt hình sự.
Trong khi ấy, căn cứ vào các thông tin đưa ra, chúng tôi nhận thấy chủ cửa hàng sửa chữa xe máy sau một thời gian mới biết chiếc xe máy tay ga đã mua bán xong là tài sản phạm pháp. Thậm chí, chiếc xe máy này đã tiếp tục được chuyển dịch cho người tiếp theo. Tuy nhiên, đối với đăng ký phương tiện hoặc giấy tờ liên quan kèm theo thì không thấy nhắc đến. Do vậy, chưa thể khẳng định rằng chủ cửa hàng sửa chữa xe máy sẽ bị xử lý hoặc không thể bị xử lý hình sự về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì trên thực tế, hành vi khách quan của anh này đã ít nhiều có dấu hiệu của việc tiêu thụ tài sản bất hợp pháp. Ngược lại, đối với người bán chiếc xe máy tay ga cho chủ cửa hàng sửa chữa xe máy, đã có những dấu hiệu cho thấy anh này phạm vào các tội “Cưỡng đoạt tài sản”, theo Điều 135 - BLHS và tội danh quy định tại Điều 250.
Luật sư Nguyễn Quang Tiến (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự)
PV (ANTĐ)