Samsung SM3: lời giải cho cuộc chiến xe Nhật - Hàn
Với máy Nhật Bản, khung gầm Châu Âu, tuỳ chọn Hàn Quốc và mức giá...bất ngờ, SM3 ẩn chứa điều gì cho người tiêu dùng Việt Nam trong 2014?
Có một thực tế không thể phủ nhận hiện nay rằng những mẫu xe Hàn Quốc dù rất được ưa chuộng trong giới trẻ và liên tục cải thiện trong thời gian gần đây nhưng cũng phải đón nhận không ít những hoài nghi về độ bền bỉ trong khả năng vận hành cũng như "chất" xe. Thêm vào đó, chúng cũng bị chỉ trích ít nhiều về ngoại hình dù bắt mắt ban đầu nhưng về lâu dài dễ gây cảm giác nhàm chán. Ngược lại, những chiếc xe Nhật hay Mỹ lại rơi vào tình trạng dù không bị quá nghi ngại về chất lượng nhưng lại khá “phiền lòng” trước sự nghèo nàn về tiện nghi và các tính năng - kể cả những mẫu tầm trung chiến lược. Trong khi đó, thiết kế và khung gầm của những dòng xe châu Âu lại luôn tạo ra sự khao khát mạnh mẽ cho bất kì ai. Như thế, với tư cách là một người tiêu dùng trong nước muốn tìm cho mình một mẫu xe ưng ý trong phân khúc C, từ trước tới nay hiếm khi có một giải pháp nào thực sự trọn vẹn theo tiêu chí “ngon, bổ, rẻ” có mặt trên thị trường - cho đến khi Renault-Samsung (đơn vị nhánh của Renault tại Hàn Quốc) chính thức đưa chiếc SM3 cùng các anh em của nó vào thị trường Việt.
Renault-Samsung SM3 ẩn chứa lời giải cho cuộc chiến Nhật - Hàn trên thị trường xe.
Thương hiệu Hàn, linh hồn Nhật Bản!
Thực tế, không phải tự nhiên SM3 được xưng tụng là chiếc xe đậm chất Nhật Bản. Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta hãy cùng đi ngược dòng thời gian. Vào thập kỉ 90, chủ tịch Lee Kun Hee của Samsung đã lần đầu nảy ra ý tưởng phát triển công nghiệp xe hơi - song song với nhiều ngành lắp ráp khác để tận dụng thế mạnh của hai công ty lớn mà Samsung đang sở hữu là Samsung Electrics và Samsung Electronics. Thậm chí, ông đã từng tìm cách thâu tóm lại KIA nhưng hoàn toàn thất bại và đi đến quyết định thành lập hai công ty xe của riêng mình: Samsung Motors và Samsung Commercial Vehicles (phá sản vào năm 2000).
Biểu tượng "mắt bão" của Samsung thể hiện điểm gặp gỡ
giữa khả năng mỗi chiếc xe và sự hài lòng của khách hàng
Tuy nhiên, do những khủng hoảng về kinh tế, Samsung Motors đã trở thành đứa con yểu mệnh của tập đoàn và đứng trước nguy cơ bị mua lại vào giai đoạn 1996-1998. Trong số những khách hàng tiềm năng vào giai đoạn đó có nhiều cái tên nổi bật như Daewoo, Renault hay thậm chí là Huyndai. Tuy nhiên, trong khi Daewoo cũng chịu chung số phận và bị GM thâu tóm còn Huyndai - với những tranh chấp về chính trị và lịch sử cạnh tranh khốc liệt với Samsung - cũng khó có thể thâu tóm được Samsung Motors. Điều này hiển nhiên đã dẫn đến mối lương duyên "trời định": Samsung - Renault. Tới tháng 9 năm 2000, tới 70% cổ phần của Samsung Motors đã nằm trong tay Renault - điều vô hình chung biến hãng xe Hàn Quốc này trở thành "tập đoàn con" của thương hiệu xe lừng danh nước Pháp. Tuy nhiên, ở đây có một bí mật mà không phải ai cũng biết. Chính điều này đã đặt tiền đề cho sự hiện diện của chiếc SM3, một chiếc xe Hàn Quốc nhưng lại ẩn chứa trong mình chất công nghệ Nhật Bản và cả nước Pháp.
Mối lương duyên "trời định" Samsung - Nissan - Renault thể hiện rõ trên chiếc SM3
Bí ẩn này nằm ở lý do chính mà Renault quyết định thâu tóm Samsung Motors lại không hề bởi giá trị hay tiềm năng của công ty này. Thay vào đó, hãng xe Pháp từ lâu đã dõi theo những bước hợp tác chiến lược giữa Samsung và thương hiệu xe Nhật lừng danh Nissan. Việc sở hữu Samsung Motors sẽ cho phép Renault sở hữu lượng lớn cổ phần của Nissan và đặt nền móng cho hàng loạt các công nghệ phát triển chung trong suốt một thời gian dài về sau này. Thực tế, cũng chính vì vấn đề tài chính, Nissan từ trước đó đã buộc phải cung cấp nhiều động cơ "đỉnh" của mình cho Samsung cũng như chia sẻ các công nghệ nền tảng của mình với đối tác Hàn Quốc. Trong đó, phải kể đến khối động cơ V6 lừng danh VQ23E của hãng (sau này bị thay thế bởi VQ35DE). Sự kết hợp công nghệ Nhật - Hàn sau đó càng trở nên chặt chẽ khi Renault tuyên bố thành lập liên minh Renault-Nissan Alliance vào năm 1999 để cùng sở hữu và phân phối xe dưới 8 thương hiệu khác nhau bao Renault, Nissan, Infinity, Renault Samsung, Dacia, Datsun, Venucia và Lada. Sự hợp tác này đã "lột xác" những chiếc xe Samsung và hầu như "đoạn tuyệt" với các công nghệ xe hơi Hàn Quốc. Kể từ giai đoạn này, những chiếc xe mang biểu tượng "mắt bão" của hãng đã chuyển sang sử dụng các linh kiện, công nghệ của Nissan và một số hãng công nghệ Nhật Bản khác - song song với Renault.
Dù mang thương hiệu Hàn Quốc, "chất" của những mẫu xe như SM3
lại là sự kết hợp giữa Nhật Bản (Nissan) và Pháp (Renault).
Như thế, không có gì lạ khi bản thân SM3 tiềm ẩn bên trong những linh kiện, phụ tùng "Made in Japan" - điều mà theo chủ tịch Sony là cách quảng cáo uy tín nhất. Chỉ cần mở nắp ca pô xe và nhìn thoáng qua, bạn đã có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều thành phần "phi Hàn Quốc". Những phụ tùng này đều là các thành phần quan trong đối với bất cứ chiếc xe hơi nào và đóng vai trò quyết định tới sự bền bỉ trong vận hành về lâu dài của chúng như bướm ga, máy phát ... Thậm chí, các chi tiết đơn giản hơn nhu cao su chân máy, ống dẫn, dây curoa, ắc quy... đều đến từ những thương hiệu có tiếng như Continental, Bridgestone hoặc từ chính Renault. Thậm chí, khung gầm của xe cũng hoàn toàn "mượn" từ Renault Mégane - một mẫu xe châu Âu đích thực. Nói cách khác, nếu chỉ nhìn vào ngoại hình hay thậm chí là khoang máy của SM3, bạn sẽ khó có thể tin rằng mình đang xem xét một mẫu xe Hàn Quốc.
Động cơ Nissan, hộp số... cũng Nissan.
Cụm bướm ga của SM3 do liên minh Renault-Nissan phát triển.
Trong khi đó, máy phát điện lại là sản phẩm của Mitsubishi.
Các linh kiện như hộp đen, ắc quy, chi tiết cao su, nhựa trong khoang máy đều
từ các thương hiệu có tiếng như Continental...
... hay Bridgestone.
Renault Mégane III - một mẫu xe châu Âu đích thực.
SM3 sở hữu nhiều nét đẹp rất "Âu" trong thiết kế ngoại hình.
Nếu chỉ nhìn bên ngoài, SM3 rõ ràng đậm chất thiết kế của châu Âu
với những đường nét đơn giản nhưng hài hoà và tinh tế.
Tuỳ chọn đa dạng - nét đặc trưng của Hàn Quốc
Tại Việt Nam, mẫu SM3 đang được phân phối là phiên bản nâng cấp (Facelift) mới nhất của năm 2013. So với thế hệ cũ, dòng mới có những cách tân về thiết kế ở phầm mũi xe, cụm đèn pha, cụm đồng hồ hiển thị trên màn hình, phanh đỗ chỉnh điện. Ngoài ra, hệ thống Smart Connect mới cũng cho phép người dùng trình chiếu phim ảnh trên màn hình giải trí trung tâm (tuỳ chọn).
SM3 đang có mặt tại Việt Nam là phiên bản nâng cấp 2013 mới nhất của hãng.
Cùng với những đặc tính sẵn có trước đó, có thể thấy rằng SM3 có đầy đủ những tính năng cần thiết mà một người sử dụng có thể cần tới – đặc biệt là khi so sánh với các mẫu xe cùng phân khúc C khác. Ở phương diện này, Renault Samsung cũng thể hiện sự tính toán khá hợp lý đối với việc chọn lựa tính năng cung cấp cho khách hàng. Ngoài những món khá thông dụng trên xe hạng C (bản tuỳ chọn đầy đủ) nói chung như đèn pha với thấu kính, vành hợp kim 17 inch, điều hoà tự động 2 vùng (có cửa gió cho hàng ghế sau), cửa sổ trời, 6 túi khí, khởi động Start-Stop, kiểm soát hành trình (Cruise Control), ghế da, âm thanh 6 loa... SM3 còn có nhiều món mới như sưởi ghế (một tính năng cực kì hấp dẫn đối với thời tiết lạnh của miền Bắc), phanh đỗ tự động, gương gập điện, cốp sau mở điện, chìa khoá thông minh, khả năng bật đèn cốt từ điều khiển từ xa (rất tiện cho việc vào xe trong đêm), màn hình đồng hồ tinh thể lỏng, đèn pha và gạt mưa tự động... Đây là danh mục tuỳ chọn có thể nói là vượt trội so với các dòng xe hạng C của Nhật hay Mỹ khác đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Dĩ nhiên, độ bền về lâu dài vẫn là yếu tố cần sự kiểm nghiệm từ phía người tiêu dùng và thời gian nhưng rõ ràng, những gì Samsung trang bị cho SM3 sẽ gây ấn tượng mạnh cho bất cứ ai tiếp cận mẫu xe này.
Khoang lái của SM3 là cả một thế giới tiện nghi
vượt trội so với các dòng xe Nhật, Mỹ cùng phân khúc.
Với tư cách là một tên tuổi hàng đầu về công nghệ trên thế giới,
Samsung có thừa đủ uy tín để đảm bảo chất lượng thiết bị điện tử trong nội thất SM3.
Bật đèn pha xe ngay trên điều khiển từ xa, một tính năng đơn giản
nhưng rất tiện lợi trong nhiều tình huống.
Nào mình cùng vào buồng ... lái!
Chỉ đơn thuần là... đếm, bạn cũng có thể thấy tiện nghi của SM3 cũng nổi bật hơn nhiều dòng xe cùng phân hạng như Focus hay Mazda3, Civic... Bên cạnh đó, dù trên giấy những tuỳ chọn bên trong khoang lái khá tương đồng với một số mẫu xe Hàn Quốc khác nhưng một khi ngồi vào ghế lái và vận hành xe, bạn sẽ có nhiều cảm nhận khác biệt. Đây là hệ quả đến từ cách lựa chọn và bố trí tính năng của nhà sản xuất.
Nội thất SM3 lịch sự vừa phải, trang nhã và không quá hào nhoáng.
Vô lăng của SM3 chỉ tích hợp 4 phím điều khiển Cruise Control.
Nút chuyển chế độ giới hạn tốc độ (Speed Limiter) và cài đặt tốc độ (Cruise Control)
được chuyển hẳn xuống cạnh phanh điện.
So với các mẫu xe Hàn, SM3 có phần chú trọng hơn
vào những tuỳ chọn thực sự thiết yếu.
Cụm đồng hồ mặc định sử dụng tiếng Hàn (nhưng có thể chuyển tiếng Anh), tài liệu hoàn toàn tiếng Hàn là một trở ngại cho người sử dụng xe lần đầu. Tuy nhiên nhà phân phối SM3 cho biết hiện cả tài liệu sử dụng và catalogue xe đều đang được biên dịch sang tiếng Việt với bản mềm sớm sẽ có mặt trên trang web của họ.
Cụm đồng hồ với màn hình hiển thị thông tin phong phú
(có thể chuyển ngôn ngữ từ Hàn sang Anh)
Samsung SM3 được trang bị 6 túi khí SRP (Supplimental Restrant and Protection) thế hệ mới có đặc tính vận hành ưu việt hơn các loại SRS (Supplimental Restrant System) truyền thống khi sử dụng các cảm biến để định hướng cách nổ túi khí tuỳ thuộc vào tư thế và chiều cao của người ngồi, vị trí dây bảo hiểm, vị trí ghế (Seating Reference Point)... để đảm bảo hiệu quả bung tối đa khi sự cố xảy đến. Dù nghe có vẻ khá hấp dẫn, rõ ràng chẳng mấy ai muốn... trải nghiệm "món" này chút nào!
Túi khí SRP thế hệ mới
Ở góc độ tổng thể, việc sử dụng vật liệu PU phủ táp lô, ghế bọc da đen kết hợp chỉ trắng và sự hiện diện của cửa sổ trời đã đem lại một không gian nội thất trang nhã, lịch thiệp, thoáng đãng. Thiết kế với các đường nét tinh tế theo hơi hướng châu Âu kết hợp với hàng loạt tiện nghi phong cách Hàn Quốc đã tạo ra một không gian nội thất gần như hoàn hảo đối với một chiếc xe hạng C. So với các đối thủ khác, có thể khẳng định rằng nội thất của SM3 là một ưu thế.
Cửa sổ trời là tùy chọn mặc định trên SM3.
Dù có cơ chế lấy đồ trong cốp từ khoang lái, đáng tiếc hàng ghế sau của SM3
lại không cho phép gập xuống để tăng thể tích chứa khi cần.
Hàng ghế sau của SM3 được trang bị tiện nghi khá đầy đủ.
SM3 - một chiếc xe Nissan "trá hình"?
Với sự ưu ái lớn của nhà phân phối Hoàng Gia Auto, Otofun News đã có cơ hội trải nghiệm khá kĩ không chỉ một mà tới... ba chiếc SM3 khác nhau. Cả ba mẫu đều sử dụng động cơ Nissan H4Mk Dual CVTC dung tích 1.6L với công suất tối đa 117 mã lực (tại tua máy 6.000 vòng/phút) và mô men xoắn cực đại 157 Nm (tại 4.000 vòng/phút). Đây là loại động cơ chỉ sử dụng khí nạp tự nhiên và truyền động năng tới bánh xe thông qua hệ thống dẫn động cầu trước và hộp số vô cấp Xtronic CVT (cũng của Nissan). Theo nhà sản xuất, động cơ này đủ để "đẩy" trọng lượng của SM3 lên tốc độ tối đa 180km/giờ với mức 0-100km/h chỉ khoảng 11,7 giây mà thôi. Đây là những con số dư thừa cho điều kiện giao thông trong nước hiện nay.
Samsung SM3 sử dụng động cơ H4Mk Dual CVTC của Nissan!
Điều thú vị và cũng hết sức độc đáo trên SM3 nằm ở chỗ mẫu xe này là một trong những sản phẩm đầu tiên được ưu ái trang bị hộp số CVT thế hệ mới mà Nissan phát triển riêng cho các dòng xe cỡ nhỏ (như Sunny hay Bluebird của hãng này). Mang tên gọi đầy đủ "Xtronic CVT with Auxiliary Transmission", hộp số này có dải tỉ số truyền lớn hơn đáng kể (khoảng 20%) so với các mô hình CVT trước đây.
Hộp số CVT của SM3 được trang bị một hộp số phụ 2 cấp - điều tạo ra sự khác biệt lớn!
Cụ thể hơn, hộp số trên SM3 có tỉ số truyền 7,3:1 (tăng lên so với mức 6,0:1) - tức là lớn hơn cả hộp số tự động 7 cấp thông thường. Để đạt được các mức tối ưu đồng thời cải thiện đáng kể cảm giác lái của hộp số CVT mới, Nissan và Jatco (công ty chuyên trách phát triển hộp số Xtronic với 75% cổ phần thuộc Nissan) đã lần đầu tiên bố trí một hộp số phụ 2 cấp với các bánh răng kiểu truyền thống để cải thiện hiệu năng tăng tốc của xe ở cả hai khoảng đầu và cuối của dải tỉ số truyền.
Sự khác biệt của hộp số SM3 với các loại CVT truyền thống.
Trên các dòng xe to, Nissan buộc phải sử dụng các bánh đà (pulley) cỡ lớn để có thể tăng khoảng tỉ số truyền - bảo đảm đủ độ bốc cho giai đoạn tăng tốc cũng như giảm tua máy, tiết kiệm nhiên liệu khi xe ở vận tốc cao. Thiết kế này sẽ khiến hộp số rất đồ sộ và không thể tích hợp lên các dòng xe cỡ nhỏ. Tuy nhiên, với sự hiện diện hộp số phụ 2 cấp, vấn đề đã được giải quyết rất hiệu quả khi giảm kích thước bánh đà nhưng vẫn giữ được khoảng thay đổi tỉ số truyền như cũ!. Công nghệ Adaptive Shift Control tích hợp sẵn cũng cho phép cải thiện hiệu năng vận hành của xe bằng cách tự chọn tỉ số tối ưu nhất cho các tình huống khởi động, tăng tốc, leo hoặc xuống dốc... Nhờ vậy, nếu so sánh SM3 với các dòng xe với CVT cùng phân khúc, một điều chắc chắn là bạn sẽ có cảm giác lái (đặc biệt là tăng tốc) và mức tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn đáng kể!
So SM3 với các xe CVT cùng phân khúc và dung tích động cơ, chắc chắn
bạn sẽ có cảm giác tăng tốc và mức tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn đáng kể!
Cầm lái SM3: những trải nghiệm thực tế
Với động cơ, hộp số, khung gầm và khoang lái được thiết kế hiệu quả, sự thú vị trong việc cầm lái và trải nghiệm SM3 là hoàn toàn có thể được tiên đoán trước. Dù sở hữu CVT nhưng với hộp số phụ 2 cấp và những cải tiến mới (Nissan tuyên bố hộp số Xtronic CVT mới của họ giảm ma sát tới 30% so với các loại cũ), nếu không sành sỏi, bạn dễ lầm tưởng mình đang cầm lái một chiếc xe với hộp số tự động 6 cấp. Nước ga đầu của hộp số mới trên SM3 thực sự nhạy hơn đáng kể. Bản thân SM3 cũng tích hợp cơ chế chuyển số bằng tay với... đúng 6 cấp khác nhau - điều càng dễ tạo ra sự hiểu nhầm. Thực tế, xe vào ga dù rất ngọt nhưng không hề bị cảm giác "trượt" trên đường (rubber-band effect) như với các loại sử dụng CVT khác. Tuy nhiên, khi chuyển chế độ từ D sang M và giảm số chủ động, hiện tượng gằn hãm lại là không rõ nét - một đặc điểm của hộp số vô cấp. Những tay lái đam mê trải nghiệm hẳn sẽ "không thích điều này !".
Với công suất 117 mã lực, mô men xoắn 157 Nm trên trọng lượng 1.250kg,
SM3 có đủ sức mạnh cho các tình huống hàng ngày.
Như đã đề cập tới ở trên vô lăng và bố cục của SM3 khá tốt trong việc tập trung vào người lái. Một nhược điểm khá phiền toái của xe là thiết kế cột A có phần hơi đồ sộ - dường như chỉ "khó chịu" thua Honda Civic trước đây. Trên cung đường thử nghiệm tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), SM3 cho thấy khả năng vận hành tốt - kể cả ở đường cua và tốc độ cao. Tuy nhiên xe có phần ngả nhiều (body-roll) khi vào cua - điều dễ tạo ra cảm giác say xe cho người ngồi bên trong khoang lái.
Trên đường nhiều khúc cua gắt, SM3 tiềm ẩn nguy cơ lớn của việc say xe
đối với những người ngồi sau.
Nguyên nhân của hiện tượng này một phần do cách bố trí góc đặt thụt giảm xóc sau của xe có sự khác biệt và hướng nhiều hơn tới độ êm ái, khả năng bám đường và đánh đổi lại độ nghiêng tổng thể ở các góc cua. Đặc điểm này cho phép xe vận hành êm và xử lý mặt đường gồ ghề tốt hơn nhiều - một trong những điều kiện để SM3 cực kì ổn định ở tốc độ cao. Thêm vào đó, việc sử dụng hộp số CVT dù rất êm ái khi di chuyển hàng ngày nhưng lại khiến mất đi phần nào cảm giác "sướng" khi dồn ga, ép số mà nhiều người yêu xe đam mê. Với mẫu xe này, dù thế hệ hộp số Xtronic CVT mới đã giải quyết rất nhiều điểm "khó ưa" cố hữu (như đã đề cập ở trên) nhưng một thực tế không thể phủ nhận nếu xét về cảm giác lái tổng thể, nó vẫn thua số tự động 6 hay 7 cấp thông thường.
Dù dùng CVT nhưng với hệ thống chỉnh số tay, SM3 leo và xuống dốc khá nhẹ nhàng.
Cũng trong thử nghiệm tốc độ cao, độ ổn định tay lái trên đường thẳng của SM3 là rất tốt. Tay lái có cơ chế trợ lực biến thiên điện, nặng dần khi tốc độ tăng cao và điều khiển điểm đặt bánh cực kì chính xác. Trong đường thử khép kín, mức tốc độ tối đa trên lý thuyết 180km/giờ của SM3 là hoàn toàn khả thi với độ ổn định thân xe cũng như hệ thống lái rất tốt. Hệ thống phanh đỗ điện tử trên xe cũng là một đột phá so với các mẫu cùng phân khúc. Ngoài việc cho phép người lái chủ động thiết lập thông số, máy tính trên xe có thể tự động điều khiển nhả phanh khi bạn vào số và di chuyển xe - hạn chế tình huống quên nhả phanh dẫn đến hậu quả không mấy thú vị mà các tài xế thường gặp phải.
Với CVT, SM3 là một lựa chọn lý tưởng cho mô hình giao thông đô thị hiện đại.
Độ ồn đo được trên cao tốc là 78 dBA tại 100km/giờ, 66,1 dBA tại 80km/giờ và 63,5 dBA tại 50km/giờ - tốt hơn so với phần lớn các mẫu xe cùng phân hạng và có thể sánh với một số xe hạng D. Đây là hệ quả của hệ thống khung gầm tốt, việc cách âm khoang máy hợp lý và đặc biệt là sự hiện diện của hộp số CVT cho phép giảm tua máy đáng kể ở tốc độ cao - hạn chế tiếng ồn. Bên cạnh đó, dù sử dụng vành 17inch nhưng bản lốp chỉ 205 (so với 215 hoặc 225 thông dụng) cũng góp phần giảm âm miết lên mặt đường và mức nhiên liệu tiêu thụ. Dĩ nhiên, những "dân chơi" ưa cảm giác lái có thể sẽ hứng thú với lốp bản rộng nhiều hơn nhưng đây chỉ là việc tuỳ theo sở thích riêng.
Thiết kế giảm xóc sau của SM3
SM3 cũng sử dụng cơ chế chuyển số tay bằng cần số nhưng thao tác nhẹ nhàng
và dễ chịu hơn đáng kể các dòng xe chung thiết kế khác.
Vành hợp kim đúc 17 inch cùng bộ lốp 205/55 R17.
Sở hữu SM3: thực dụng hay liều lĩnh?
Cuối cùng, quan trọng nhất, vẫn là câu hỏi liệu Renault Samsung SM3 có xứng đáng để trở thành một lựa chọn "ngon bổ, rẻ". Hiện nay, mẫu xe này (bản LE) đang có giá thị trường khoảng 685 triệu VNĐ (nhập nguyên chiếc). Ở ngưỡng này, nó có tỉ lệ giá / hiệu quả mang lại vào hàng tốt nhất. Điểm yếu duy nhất (nhưng lại khá chí mạng) của xe ở Việt Nam có lẽ chỉ là yếu tố thương hiệu. Tuy nhiên, một thực tế đáng lưu ý là mức giá của SM3 khá sát với K3 của KIA hiện nay (phiên bản 1.6 số tự động có giá 688 triệu VNĐ). Điều này khiến cho 2 mẫu xe này trở thành đối thủ trực tiếp của nhau ở phân khúc C. So với K3, Samsung SM3 rõ ràng có ưu thế tuyệt đối của chất xe "Nhật-Pháp" trong khi vẫn đảm bảo lượng tính năng tuỳ chọn khá phong phú. Trong khi đó, K3 lại ưu thế về kiểu dáng trẻ trung, thương hiệu KIA thân thiện và được đáng giá cao hơn trong tâm lý người tiêu dùng Việt Nam.
Bạn sẽ chọn "chất" hay "lượng"?
Ở khía cạnh tiêu thụ nhiên liệu, thực tế SM3 và hai đối thủ trực tiếp là KIA K3 và Huyndai Elantra gần như không có sự khác biệt quá lớn. Tuy nhiên, nếu so sánh một cách chính xác, nhờ vào hộp số vô cấp và động cơ yếu hơn chút ít, xe của Samsung vẫn tiết kiệm nhiên liệu hơn hai đồng hương - điều đánh đổi lại cảm giác tăng tốc và đôi phút bốc đồng dành cho người lái. Bản thân SM3 mức chi phí bảo trì, bảo dưỡng của cả ba dòng xe này cũng sẽ không có sự chênh lệch quá lớn.
Trên quãng đường thử nghiệm thực tế, Samsung SM3 tiêu thụ khoảng 5,88 lít / 100km
chỉ thấp hơn chút ít so với K3 (5,98 lít /100km) và Elantra (6,06 lít / 100km).
Ngay cả khi đặt cạnh các anh em "cùng cha khác mẹ" Nissan, SM3 cũng tỏ rõ ưu thế nhờ những nét đặc trưng một mẫu xe Hàn Quốc: tính năng tuỳ chọn và kích thước nằm giữa Sunny và Teana. Dù có chất lượng tốt và mức giá rẻ hơn, một thực tế không thể phủ nhận là SM3 ưu thế hơn một cách tuyệt đối do vẫn duy trì được máy móc hay khung gầm của Nhật và châu Âu trong khi lại bổ sung thêm số lượng tùy chọn phong phú. Bản thân sự hiện diện của động cơ và hộp số mới của Nissan cùng các tính năng mang tính đột phá - ngay cả trong trong phân khúc xe hạng C - như cụm đồng hồ số hoá với màn hình LCD hay phanh đỗ điện tử... tạo ra sức hấp dẫn và toàn diện dù cho bạn so sánh nó với bất kì dòng xe nào khác cùng phân khúc. Có lẽ điểm yếu lớn nhất của dòng xe này chính là thương hiệu và khả năng đem tới sự hài lòng cho khách hàng của dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng về lâu dài (điều mà nhà phân phối HGA sẽ cần phải chứng minh thực tế). Dù đôi khi, có thể bạn sẽ cảm thấy chạnh lòng đôi chút nếu ai đó bất chợt hỏi bạn "liệu đây có phải một chiếc xe Tàu hay không?" nhưng từ sâu thẳm trong tim mỗi khi cầm lái và trải nghiệm SM3, bạn hẳn sẽ yêu chiếc xe của mình và tin tưởng tuyệt đối vào "nội dung" bên trong cũng như hoàn toàn hài lòng vì đã đặt khoản tài chính dành dụm bấy lâu của mình vào đúng chỗ.
(Hình ảnh: Bình X-Five, Nguyễn Thúc Hoàng Linh)
Nhóm thử nghiệm xe Otofun News.