Audi TT 2016 - đột phá công nghệ cao!
Hy sinh một chút cá tính trong thiết kế, Audi TT 2016 có gì để hấp dẫn khách hàng?
Đường đến trường đua Ascari, Tây Ban Nha xen lẫn những cung đường đèo uốn lượn luôn là giấc mơ của những tay lái mê xe. Đó cũng chính là nơi cánh phóng viên báo chí được cầm lái chiếc Audi TT 2016 gần một năm trước khi xe chính thức có mặt trên thị trường.
Với hệ dẫn động bốn bánh quattro danh tiếng và động cơ turbo 4 xy-lanh sản sinh 227 mã lực, Audi TT 2016 nhanh chóng bỏ lại sau lưng những khúc cua vắt ngang núi. Bờ biển trải đầy nắng của Tây Ban Nha nằm ngay phía dưới, nhưng chẳng ai dám rời mắt khỏi góc cua tiếp theo hay buông tay khỏi vô-lăng với thiết kế phẳng đáy của xe khi mà lan can bảo vệ ngày càng hiện rõ trước mắt. Chọn cung thử xe bao gồm đường đèo xen lẫn trường đua, có lẽ Audi đang gửi gắm thông điệp rằng TT 2016 thực sự là một đối thủ đáng gờm trong phân khúc xe thể thao 2 cửa cỡ nhỏ.
Thế hệ TT đầu tiên là một trong những chiếc xe độc lạ của cuối những năm 90, chưa kể còn là nấc thang quan trọng góp phần vào sự trưởng thành của Audi ngày nay. Ulrich Hackenberg, giám đốc kỹ thuật của Audi nhớ lại khi nhà thiết kế J Mays trình ông bản vẽ độc đáo của chiếc xe, dựa trên khung gầm của Volkswagen Golf. “Chúng tôi nhận được cái gật đầu của Ferdinand Piëch (chủ tịch Volkswagen) và dự án đã trở thành một câu chuyện thành công”, Hackenberg chia sẻ. Sau màn giới thiệu của Hackenberg, cánh báo chí truyền tay nhau và bàn luận về những bức ảnh chụp bằng điện thoại của Mazda MX-5 2016 - một trong những mẫu thiết kế đình đám nhất hiện nay. Một nhân viên của Audi AG cũng bước qua và ghé vào ngắm. Trong khi đó, Audi TT 2016 thế hệ thứ 3 đỗ bên ngoài sân khấu nhận được ít sự chú ý hơn.
Thực tế, TT đã được vén màn tại triển lãm xe hơi Geneva nhiều tháng trước đó, bởi vậy sức hút của nó không thể sánh được với MX-5 vào thời điểm này cũng là điều dễ hiểu. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng Audi vẫn tỏ ra thận trọng với thiết kế của TT 2016. Diện mạo chung của xe là một bước tiến đầy tính toán từ TT thế hệ trước, trong khi lưới tản nhiệt mang nhiều hơi hướng của những mẫu concept Audi Quattro trong những năm gần đây. Đại diện hãng xe nước Đức chỉ ra những nét thừa kế từ TT đời đầu như nắp bình xăng bằng kim loại, song sự thật đây vẫn là một chiếc xe có phần khá “nghiêm túc”, ngay từ cặp đèn pha LED.
Đó cũng là điều làm nên chiếc xe tuyệt tác này. Giống như những tác phẩm khác đến từ studio của thiết kế trưởng Wolfgang Egger, Audi TTS 2016 sở hữu tỷ lệ và những đường nét đạt đến độ hoàn hảo. Thiết kế này sẽ thách thức cả những hãng xe nằm ở chiếu trên, vốn thường đắt đỏ và hút mắt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có lẽ người ta kỳ vọng ở Audi thứ gì đó phá cách hơn.
Như thường lệ, Audi TT chia sẻ rất nhiều bộ phận với Volkswagen Golf. Những thành phần này có chất lượng tốt hơn bao giờ hết nhờ khung gầm MQB linh hoạt và trọng lượng nhẹ của VW dành cho xe cỡ nhỏ. Cấu trúc mới cùng với nỗ lực cắt giảm trọng lượng ở mọi nơi có thể, từ ghế ngồi cho tới hệ thống điện giúp TT mới nhẹ hơn gần 50kg so với thế hệ trước. Sức mạnh của xe cũng được cải thiện nhờ công suất được nâng lên trên các khối động cơ turbo 2.0 lít. Hộp số được trang bị vẫn là loại tự động ly hợp kép 6 cấp, đem tới thời gian sang số khá nhanh. Hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian Quattro sẽ là trang thiết bị tiêu chuẩn. Có cấu trúc như trên những xe Audi khác, Quattro gồm một bộ ly hợp thủy lực phân bổ mô-men xoắn tới cầu trước/sau và một bộ khóa vi sai cơ khí dẫn lực kéo tới từng bánh sau. Tuy nhiên, phần mềm Quattro đã được cải tiến để tính toán chính xác lượng mô-men xoắn thích hợp mỗi phần trăm giây, và có thể truyền 100% mô-men tới bánh sau.
Có một thứ mà Audi không vay mượn từ VW, đó là hệ thống thông tin giải trí Multi Media Interface (MMI) mới của TT được hãng đầu tư rất nhiều tiền của và công sức. Kết quả là một hệ thống tuyệt hảo sẽ được Audi cung cấp cho các hãng xe khác trong cùng công ty mẹ VW Group, kể cả đối thủ Porsche.
Chắc chắn mọi tài xế sẽ mong muốn có hệ thống này trên xe của họ. Ngoài núm xoay quen thuộc, người lái có thể sử dụng MMI thông qua các phím được đặt rất thông minh trên vô-lăng. Bốn phím truy cập nhanh - dẫn đường, điện thoại, radio và media - được gộp vào 2 cần gạt. Mọi thao tác sẽ được hiển thị lên màn hình LCD của cụm đồng hồ. Giao diện mặc định của cụm này là bản đồ Google Maps độ phân giải cao với một đồng hồ đo tốc độ và đo vòng tua kích thước nhỏ ở 2 bên góc. Một loại giao diện khác sẽ phóng to 2 đồng hồ trên. Riêng ở chiếc TTS, kiểu giao diện thứ 3 cho phép bật đồng hồ vòng tua lên chính giữa màn hình. Các núm xoay trực quan cho hệ thống điều hòa được đặt ngay ở khu vực cửa gió, một núm xoay khác điều chỉnh âm lượng giải trí.
Cánh báo chí dành những lời khen không ngớt cho MMI trên TT. Người lái có thể sử dụng hệ thống này một cách thành thạo chỉ sau một vài phút cầm lái. Thậm chí, bạn có thể khám phá MMI một cách dễ dàng mà không cần người hướng dẫn bởi mọi thứ đều khá rõ ràng.
Nếu có thứ cần phàn nàn về TT 2016, đó là dường như các nhà thiết kế nội thất của Audi vẫn chưa biết phải làm gì với không gian mà các kỹ sư đồng nghiệp đã tạo ra cho họ. Trong thập kỷ vừa qua, bảng điều khiển trung tâm trên những chiếc xe sang trọng đều tràn ngập các thiết bị điện tử. Hệ thống thông minh của TT chiếm rất ít không gian, song mặt khác lại khiến cabin trở nên khá trống rỗng và buồn tẻ. Ý tưởng tuyệt nhất mà các nhà thiết kế có được là hướng bảng táp-lô về phía hành khách, tạo nên hình ảnh đôi cánh máy bay khi nhìn từ trên cao. Dù vậy, tầm nhìn của hành khách chỉ ở mức ngang với táp-lô chứ không cao hẳn, vì thế tất cả những gì họ thấy chỉ là một miếng nhựa đen trải dài trước mắt tới kính chắn gió. Người hâm mộ Audi phải tự hỏi: Đâu rồi những đường chỉ như găng tay bóng chày đầy ấn tượng trên TT đời trước?
Vượt qua cung đường núi một cách dễ dàng, cánh thử xe đặt chân tới trường đua Ascari và được giao một chiếc TTS. So với TT thường, bản S sở hữu công suất cao hơn gần 80 mã lực từ động cơ 4 xy-lanh 2.0 lít, đạt 306 mã lực. Ngoài ra, hệ thống giảm xóc cứng hơn, phanh mạnh mẽ hơn với cụm phanh cố định và mâm đúc 18 inch là trang thiết bị tiêu chuẩn. TTS cũng mang lại âm thanh đặc trưng đầy hưng phấn của turbo khi tăng tốc mạnh và khi nhả ga. Đóng góp một phần vào kêt quả trên còn phải kể tới một thiết bị được đặt dưới nắp ca-pô, giúp truyền một số âm thanh nhất định của động cơ vào cabin thông qua kính chắn gió.
Sau khi hoàn thành mỗi vòng đường đua Ascari, người lái thử xe lại vào đường pit và kích hoạt từng chế độ lái, bao gồm êm ái (Comfort), tự động (Auto) và thể thao (Dynamic). Audi TTS là một chiếc xe cứng cáp, sẵn sàng chinh phục đường đua đòi hỏi kỹ năng lái bậc cao này. Độ nghiêng được kiểm soát tốt qua từng góc cua chữ chi, bộ lốp mùa hè Hankook tỏ ra rất bám đường khi tăng tốc qua một khúc cua dài và nghiêng. Audi cho biết Quattro có khả năng tạo ra hiện tượng thừa lái vừa đủ để xe thoát cua một cách gọn gàng, song tính năng này dường như đã bị vô hiệu hóa do Audi không cho phép báo giới tắt hệ thống ổn định điện tử ESC. Mặt khác, TTS cũng không gặp phải hiện tượng thiếu lái, một thành tích đáng nể bởi 58% trọng lượng của xe dồn lên phía trước. Hệ thống lái đem lại nhiều cảm nhận mặt đường hơn một số đối thủ dẫn động cầu sau khác.
Ngay cả bản TT dẫn động cầu trước, động cơ TDI đi kèm hộp số sàn 6 cấp cũng sở hữu tính năng lái khá ấn tượng. Động cơ dầu 2.0 lít chỉ cho ra 181 mã lực khiến chiếc xe không thể tăng tốc sánh ngang với phiên bản máy xăng, song khi kết hợp với hệ thống giảm xóc tương đối tốt vẫn đủ để vượt qua khúc cua với tốc độ nhanh vừa phải. Đây có lẽ là hình ảnh đại diện cho toàn dòng TT: đem đến khả năng vận hành gần ngang ngửa với những mẫu thể thao cầu sau, nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu, mang nhiều phong cách và nội thất thực dụng hơn.
Audi TT đời đầu là một sự bất ngờ trong kế hoạch thâm nhập thị trường xe sang của Audi. Giờ đây, Audi lại là hãng xe sang mà hơn một nửa ngành công nghiệp đang cố bắt chước. Audi TT 2016 đang phản chiếu lại quá trình này. Đây là một chiếc xe toàn năng hơn mặc dù có xuất phát điểm từ hệ dẫn động cầu trước, và giờ hoàn toàn có thể tranh chấp với những mẫu thể thao khác của Đức. Dù vậy, để đạt được mục tiêu không hề dễ dàng này, TT mới phải chấp nhận hy sinh một phần cá tính có từ thế hệ trước. Có lẽ, phiên bản roadster trình làng vào năm sau sẽ phục hồi được một phần cá tính bị mất đi đó.
Theo Automobilemag