Trải nghiệm nhanh Honda Blade 110 2016
Blade hội tụ đầy đủ các phẩm chất cần có ở một chiếc xe số phổ thông.
Cho đến năm 2014, nhận thấy Wave dường như đã quá "già cỗi" và cần một sản phẩm mới hãng xe Nhật Bản đã giới thiệu Blade vào tháng 10 năm đó. Sau hơn một năm ra mắt, đến cuối tháng 12 năm 2015, Honda mang tới khách hàng Việt phiên bản thể thao của chiếc Blade. Được phát triển dành riêng cho thị trường Việt Nam, Honda Blade ra đời với hai nhiệm vụ chính: thay thế Wave và đối chọi lại Yamaha Sirius và Suzuki Viva, những chiếc xe liên tục được nhà sản xuất làm mới trong khoảng vài năm trở lại đây. Liệu Blade có đủ sức hoàn thành sứ mệnh đó?
Thiết kế xe mang dáng dấp của dòng Wave "huyền thoại".
Tiếp nối truyền thống
Tại Việt Nam, những năm đầu thập niên 2000 là thời kì nở rộ của dòng xe underbone. Gọi là Underbone bởi lẽ dòng xe này được xây dựng trên bộ khung kim loại chắc chắn, động cơ được thiết kế có dung tích nhỏ, vị trí bình nhiên liệu được đặt bên dưới yên xe, kiểu dáng gọn nhẹ và độ tiện dụng cao. Nhờ những đặc tính này mà không riêng gì Việt Nam, dòng xe Underbone đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Có thể kể đến một số nhà sản xuất tiêu biểu như Honda, Yamaha, Suzuki.
Mặt khác, trước khi Blade có mặt tại thị trường Việt Nam, mảng xe số phổ thông vẫn luôn là sân chơi của bộ ba Wave, Sirius, Viva. Cả ba chiếc xe này đại diện cho hai trường phái khác nhau: tính thực dụng và phảng phất chất thể thao. Trong khi các biến thể sau này của Dream không nhận được đánh giá cao từ phía khách hàng thì thành công lại bất ngờ đến với Wave.
Ngay từ đời xe đầu tiên cho đến các phiên bản sau này, Wave đều chiếm được tình cảm của đại bộ phận người tiêu dùng ở khắp cả nước. Thời kì vàng son nhất của Wave là từ năm 2009 trở về trước. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như Wave, Wave Alpha, Wave S, Wave RS, Wave RSX. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ còn lại hai đại diện Wave RSX Fi và Wave Alpha được Honda bán ra thị trường.
Thiết kế gọn gàng, mảnh mai
So với Wave, Blade có phần thanh thoát và hiện đại hơn trong kiểu dáng.
Điều đầu tiên mà người dùng có thể cảm nhận được khi chạm tay vào Blade là chiếc xe này rất thon gọn. Có cảm giác Blade là chiếc xe có vóc dáng nhỏ nhất so với các đối thủ. Nhưng khi đọc các thông số về kích thước, Blade lại thể hiện mình là chiếc xe có chiều dài, bề rộng lớn nhất (1.920 mm, 702 mm).
Về mặt cảm quan, bộ tem xe mới này được khá nhiều người dùng đánh giá cao. Bộ tem được làm cầu kỳ hơn với biểu tượng Blade màu cam và một biểu tượng khác kích thước lớn được in chìm cách điệu theo phong cách Typography.
Mọi trang thiết bị của xe đều rất chuẩn mực.
Nó mang lại hình ảnh tươi mới và có phần sang trọng cho Blade. Honda sử dụng màu sơn đen nhám làm nền, màu cam làm trang trí. Mặc dù sinh ra với mục đích thay thế Wave 110 nhưng ở Blade vẫn hiện diện một vài chi tiết gợi nhớ đến hình ảnh chiếc Wave Alpha thời điểm năm 2002. Rõ rệt nhất là phần cụm đèn pha và mặt đồng hồ.
Là một chiếc xe số phổ thông nên hệ thống chiếu sáng trên Blade cũng khá đơn giản - chỉ với một bóng halogen cho đèn pha và hai đèn signal ở hai bên. Một điểm đặc biệt nếu để ý kĩ sẽ thấy, phía trên đèn pha và đèn signal thay vì làm trơn như Wave Alpha hay Wave RSX FI, Honda lại tạo gờ ở Blade.
Cụm đèn pha rất giống với Wave 110i trước kia.
Chi tiết này khiến Blade bắt mắt hơn Wave rất nhiều. Phần yếm cánh trông khá gọn gàng với độ rộng vừa phải tạo cảm giác thanh mảnh. Ở đây cũng hiện diện biểu tượng Blade in chìm. Phần yếm cánh cùng với tấm chắn bùn trước khiến người đối diện có cảm giác Honda mượn thiết kế Sirius khi chắp bút cho Blade.
Đồng hồ đơn giản với các chữ số, màu sắc dễ nhìn, bố cục rõ ràng.
Đồng hồ analog kiểu dáng đơn giản, có độ tương phản tốt hiển thị đầy đủ các thông số như vận tốc, công-tơ-mét, mức nhiên liệu trong bình, đèn signal, đèn pha/cốt, hộp số. Cặp gương hậu có lẽ là một điểm cộng cho Blade. Khác với Wave, phần giá gương ở Blade được thu gọn vào trong nhưng vẫn cho người lái tầm nhìn bao quát toàn bộ giao thông phía sau. Điều này thực sự giúp ích rất nhiều khi phải điều khiển xe trong những khu vực có mật độ giao thông đông đúc. Hơn nữa, việc rút ngắn giá gương cũng làm cặp gương không bị xô lệch khi bạn đi gửi xe.
Chức năng phía trái của tay lái xe.
Tuy nhiên, phần khiến nhóm thử nghiệm gặp khó khi làm quen với Blade đó chính là các phím bấm điều chỉnh chức năng như còi, đèn pha, đèn signal. Việc bố trí nút bấm còi ở giữa công tắc chuyển chế độ chiếu sáng và công tắc signal khiến người lái rất dễ nhầm lẫn. Phần đèn hậu phía sau nhìn khá giống chiếc Wave RSX ra mắt năm 2009 nhưng có phần nhỏ gọn hơn.
Đèn hậu mang kiểu dáng cứng cáp nhưng vẫn khá tinh tế.
Với thân hình mảnh mai cùng trọng lượng khá nhẹ (98kg) và chiều cao yên vừa phải (769 mm), Blade không gây khó cho chủ nhân khi phải dừng đèn đỏ hay phải nhấc xe trong bãi gửi. Giống như các mẫu xe số khác, Honda Blade có một ổ khóa phía sau để mở cốp (có thể thấy ở hình trên).
Toàn bộ ắc quy và cầu chì đều có thể được tiếp cận rất nhanh do nằm ngay dưới cốp.
Phần cốp xe khá nhỏ chỉ đủ khoảng trống để chứa áo mưa hoặc các vật dụng nhỏ khác như ví hay điện thoại. Không đủ chỗ trống để chứa một mũ bảo hiểm nửa đầu nhưng có hai điểm treo mũ. Ngoài ra, việc bố trí IC và ắc quy bên dưới hộc để đồ giúp cho việc sửa chữa và bảo quản dễ dàng hơn.
Như mọi chiếc xe Honda khác, Blade vẫn tạo lợi thế từ độ "lành"
trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa.
Sang số mượt mà, linh hoạt trong phố đông
Ý nghĩa của tên gọi Blade - Lưỡi Sắc không chỉ thể hiện ở thiết kế bên ngoài mà ngay cả khi vận hành. Theo Honda công bố, Blade sở hữu động cơ xăng 4 kỳ, xy-lanh đơn làm mát bằng không khí. Trong bối cảnh hệ thống phun xăng điện tử đang dần trở thành trang bị tiêu chuẩn trên xe số phổ thông thì việc không xuất hiện hệ thống này trong danh sách các trang bị trên Blade khiến mẫu xe của Honda có phần yếu thế hơn so với Yamaha Sirius hay Suzuki Viva.
Ngay từ khi ngồi lên xe, Blade cho cảm giác ngồi thoải mái với yên xe lớn. Cơ chế đề nổ khá nhẹ nhàng, âm thanh pô êm tai tương tự chiếc Wave Alpha mà Honda đang bán ra thị trường. Một điều đặc biệt mà bất cứ ai khi cầm lái Blade đều cảm thấy rõ là hộp số xoay vòng 4 cấp hoạt động rất trơn tru, mượt mà.
Mặc định, Blade đã sử dụng lốp không xăm - một cải tiến có thể khiến nhiều người trẻ hứng thú.
Bên cạnh đó, hệ thống giảm xóc làm việc rất tốt mỗi khi xe lăn bánh qua ổ gà hay những đoạn lồi lõm trên đường. Blade sử dụng bộ lốp không xăm 70/90 và bộ vành đúc 17 inch. Không vọt nhanh như Sirius, động cơ ở Blade có sức mạnh vừa đủ để không bị bỏ xa trên những con đường nội đô. Tỉ số truyền của hộp số trên hai xe lần lượt như sau.
Tỉ số truyền của Honda Blade lần lượt là: số 1: 2,615, số 2: 1,555, số 3: 1,136, số 4: 0,916.
Tỉ số truyền ở Yamaha Sirius là: số 1: 2,833, số 2: 1,875, số 3: 1,353, số 4: 1,045.
Với người lái cao 1m70 / nặng 80kg, Blade khá "vừa miếng".
Như đã nói ở phần đầu, Honda phát triển Blade ra đời với mục đích phục vụ đông đảo người tiêu dùng cho những nhu cầu di chuyển hàng ngày như đi làm, đi học ở các đô thị lớn. Do vậy, việc không qua đầu tư về mặt công suất cũng là điều dễ hiểu.
Trong vận hành, khi di chuyển vượt qua ngưỡng 60 km/giờ tay lái bị rung lắc nhẹ và tâng dần theo tốc độ - một phần dotrọng lượng nhẹ. Chính vì thế, nếu xe đi cùng hai người lớn thì tay lái đầm sẽ chắc hơn đôi chút.
Dĩ nhiên, mức tiêu thụ nhiên liệu cũng là một chi tiết đáng lưu tâm. Sau vài ngày thử nghiệm ở mọi tuyến phố Hà Nội, mức tiêu hao nhiên liệu mà nhóm thử nghiệm thu được là khoảng 56km/l.
Chiếc xe kế thừa truyền thống "ngon, bổ, rẻ" của Wave để lại.
Có thể nói, với những ai đang mong muốn tìm cho mình một chiếc xe có kiểu dáng mới nhưng mang trong mình những đặc điểm từ "đàn anh" Wave thì Honda Blade là cái tên sáng giá. Dẫu vẫn còn một vài hạt sạn như thiếu hệ thống phun xăng điện tử hay cốp xe nhỏ nhưng điều này có thể được nhà sản xuất cải tiến ở các đời xe sau.
Hai năm không phải là khoảng thời gian dài nhưng nó cũng giúp Blade nhận được ít nhiều phản hồi từ người tiêu dùng. Dù sao vẫn cần một khoảng thời gian dài để người tiêu dùng tạm quên đi cái tên Wave già cỗi và làm quen với một Blade trẻ trung, mới mẻ hơn.