Yamaha YZF R15 V3 2018: Sportbike cỡ nhỏ sở hữu nhiều công nghệ đáng giá
Sự xuất hiện của R15 đã giúp Yamaha hoàn thiện trọn vẹn dải sản phẩm 150 phân khối đồng thời, đa dạng hóa nhu cầu của đông đảo các bạn trẻ Việt Nam.
Giá xe máy tăng cao những ngày cận Tết Thử nghiệm hiệu quả xăng A95 và E5 trên máy Dynojet 6 mẫu xe máy nên mua cận Tết Mậu Tuất |
Tại thị trường xe máy ở Việt Nam hiện nay, không khó để nhận ra cuộc chạy đua về thể tích xy-lanh giữa các thương hiệu xe máy lớn. Mức 150 phân khối đang là phân khúc được nhiều “ông lớn” hướng đến.
Với Yamaha, hãng xe này đã xây dựng cho mình dải sản phẩm 150 phân khối hết sức phong phú, từ xe tay ga NM-X cho tới mẫu underbone huyền thoại Exciter và naked bike TFX150 cá tính. Mới đây, để làm phong phú hơn nữa dòng sản phẩm 150 phân khối của mình cũng như cạnh tranh với Suzuki GSX-R150, Yamaha đã tung ra mẫu xe thể thao thế hệ mới R15 2018 với nhiều điểm đáng chú ý.
Với R15 V3, Yamaha cho thấy sự chuyển mình rõ nét ở mọi khía cạnh, từ kiểu dáng cho đến công nghệ, trang bị vận hành. |
Trước hết, tuy là một mẫu xe 150 phân khối - thành viên nhỏ nhất ở “gia đình” R-Series nhưng R15 thừa hưởng gene thể thao đặc trưng từ hai mẫu Mô Tô Thể Thao “hạng nặng” R6 và R1 thế hệ mới mà Yamaha có dịp giới thiệu vào năm 2016. Có lẽ đây là mẫu xe duy nhất trong phân khúc sở hữu ngoại hình hấp dẫn lớn hơn mức dung tích xy-lanh 150 phân khối của nó.
Yamaha tiếp tục duy trì bộ khung thép Deltabox đặc trưng của mình trên R15 hoàn toàn mới. |
Từ những đường nét thiết kế cho đến các chi tiết nhỏ nhất như phần tay xách đều mang ảnh hưởng từ mẫu đàn anh R6. Tương tự như thế, Yamaha Yzf R15 V3 mới cũng sở hữu cho mình hốc gió nằm chính giữa đầu xe.
Ngắm Yamaha R15 từ bên hông thật khó có thể nghĩ đây là một chiếc sport bike 150 phân khối! |
Đặt cạnh người tiền nhiệm R15 v2, Yamaha cho thấy sự chuyển mình đáng kể ở phân khúc sport bike cấp thấp. Kiểu dáng xe thể thao hoài cổ từng tạo tiếng vang trong gần 10 năm trước đã trở nên cũ kĩ và không còn hiện hữu. Thay vào đó “chất” thể thao, sự hiện đại ngày càng được Yamaha thể hiện rõ rệt trên sản phẩm mới này. Điểm thu hút mọi ánh nhìn có lẽ nằm ở cụm đèn pha LED mỏng dẹt.
Mẫu xe duy nhất trong phân khúc sở hữu tính năng đèn cảnh báo nguy hiểm. |
“Chất” thể thao tiếp tục được thể hiện ngay ở tư thế lái. Ở R15 V3 người lái sẽ phải cúi người hơn so với xe cũ. Tư thế vươn người về phía trước và ôm sát bình xăng là đặc trưng thường thấy ở những mẫu sport bike. Phần yên xe dốc về phía trước tuy có gây phiền toái khi đi tốc độ chậm nhưng nó trợ giúp tốt ở dải tốc độ cao. Tay lái dạng clip-on được đặt dưới chảng ba giúp kiểm soát tốt phần đầu xe khi người ngồi phải cúi sát người, giảm sức cản gió.
Không chỉ có vẻ ngoài thể thao đầy cuốn hút, Yamaha R15 V3 sở hữu cho mình những trang bị, công nghệ đáng tiền. Dễ nhận thấy nhất là giảm xóc trước hành trình ngược (upside down).
Giảm xóc hành trình ngược trở thành món đồ đáng giá nhất phân khúc. |
Thông thường, ở các dòng xe máy phổ thông, ta bắt gặp giảm xóc ống lồng với phần ti phuộc nằm phía trên, bắt trực tiếp vào chảng ba còn ống phuộc nằm phía dưới gắn trực tiếp vào trục bánh trước. Toàn bộ kết cấu này được gắn với tay lái qua cổ phuộc.
Tại Ấn Độ, R15 V3 chỉ được trang bị giảm xóc ống lồng (Telescopic) chứng tỏ Yamaha ưu ái thị trường Đông Nam Á như thế nào! |
Tuy nhiên trên những dòng mô tô thể thao hiện đại, hệ thống trên được đảo ngược. Phần ống phuộc (cùng lò xo/hệ thống giảm xóc) được gắn trực tiếp vào chảng ba trên và dưới trong khi phần ti phuộc bắt vào trục bánh trước. Điều này sẽ giảm phản trọng lực từ mâm xe bằng cách sử dụng hệ treo nhẹ hơn, đồng thời gia tăng lực, độ cứng của hệ treo bằng việc sử dụng ống phuộc kích thước lớn và chắc khỏe.
Chỉ vậy thôi thì chưa đủ, động cơ 150 phân khối công suất 19 mã lực được Yamaha lắp đặt hai công nghệ “đỉnh” : Ly hợp chống trượt bánh khi dồn số gấp (Slipper Clutch) và hệ thống van biến thiến (Variable Valve Actuation - VVA).
Yamaha hiểu rằng, chỉ kiểu dáng đẹp thôi thì chưa đủ, bản thân chiếc xe cần phải có cho mình những "món" giúp nó trở nên độc nhất vô nhị trong phân khúc. |
Thông thường, muốn dừng một chiếc xe máy có hai cách: sử dụng hệ thống phanh (phanh đĩa hoặc phanh tang trống) và dùng lực hãm của động cơ (Engine Brake). Ở cách đầu tiên, việc bóp phanh “chết” rất dễ gây ra hiện tượng bó cứng phanh và trượt bánh trên đường. Thậm chí, liên tục bóp phanh trong một khoảng thời gian dài có thể gây cháy, dẫn tới mất phanh.
Không chỉ hạn chế tối đa tình trạng trượt bánh sau khi dồn số gấp, ly hợp chống trượt cũng giảm thiểu tình trạng ma sát giữa các lá côn. |
Trong khi đó, cách thứ hai được dùng phổ biến hơn trên những con đường đèo núi quanh co hoặc trong các cuộc đua tốc độ. Lúc này, ở bộ ly hợp thông thường khi người lái đột ngột dồn số gấp, ngay lập tức động cơ sẽ ghìm xe lại, đẩy vòng tua lên cao và bánh sau bị trượt nhẹ. Slipper Clutch sinh ra để giảm thiểu hiện tượng trượt bánh đó và giúp việc dồn số gấp ở R15 V3 trở nên nhẹ nhàng, mượt mà hơn những xe côn tay khác.
Ở xe hơi, công nghệ van biến thiên không phải là thứ gì đó quá lạ lẫm. Tuy nhiên, trong thế giới xe hai bánh, công nghệ này mới chỉ xuất hiện trong khoảng 3 năm trở lại đây, đi đầu là hệ thống van biến thiên Testastretta DVT trên mô tô đường trường Ducati Multistrada 1200S.
Về phần mình, hệ thống VVA được Yamaha nghiên cứu nhằm thay đổi thời gian đóng/mở van nạp, tăng lượng khí vào buồng đốt ở vòng tua cao. Trên trục cam đơn, các kĩ sư bố trí 3 gối cam trong đó, một gối cam làm nhiệm vụ dẫn động trực tiếp van xả thông qua cò mổ, 2 gối cam còn lại phụ trách van nạp.
Tại đây, khi xe vận hành ở vòng tua thấp, gối cam thấp sẽ dẫn động cò mổ đóng mở van nạp. Lên đến dải vòng tua cao (trên 6.000 vòng/phút), hệ thống VVA đóng lại thông qua chốt kim loại, toàn bộ hoạt động đóng/mở van nạp sẽ do gối cam cao điều khiển. Hành trình của van nạp được kéo dài thêm 2 mm khi chuyển sang gối cam cao. Trong thực tế trải nghiệm, hệ thống VVA trên R15 V3 bắt đầu được kích hoạt từ 8.000 vòng/phút.
Yamaha YZF R15 V3 là mẫu xe thứ hai sau xe tay ga NVX được trang bị hệ thống van biến thiên. |
Có khá đông người dùng tỏ ra tiếc nuối trước sự thiếu hụt của hệ thống chống bó cứng phanh ở mẫu sport bike này. Tuy nhiên, điều này lại được bù trừ bằng ly hợp chống trượt bánh khi dồn số gấp. Hơn nữa, với một mẫu xe dành cho các bạn trẻ lần đầu làm quen với sport bike, với xe côn tay thì ly hợp chống trượt bánh khi dồn số gấp cùng hệ thống van biến thiên là vừa đủ cho chuyến đi trải nghiệm tốc độ.
Dĩ nhiên, hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) giúp trải nghiệm cảm giác tốc độ cao trở nên an toàn hơn nhưng đồng thời nó cũng khiến giá bán tăng lên đáng kể - yếu tố mà bất cứ ai cũng phải lăn tăn khi có ý định mở hầu bao. Mặt khác, sự hiện diện của hai món “vũ khí” kể trên cũng giúp Yamaha gia tăng khoảng cách lớn với đối thủ Suzuki GSX-R150.
Là một mẫu xe mô tô thể thao cho số đông nhưng điều bất ngờ là R15 lại sở hữu chiều cao yên xe lên tới 815 mm, cao hơn hẳn mẫu sport bike “đàn anh” R3 (780 mm) và cao hơn Suzuki GSX-R150 (785 mm). Điều này khiến những người có chiều cao dưới 1m70 sẽ cảm thấy khó khăn trong tình huống quay đầu xe, nhất là ở khoảng hẹp trong đô thị.
Đèn pha dạng LED là cải tiến đáng chú ý so với thế hệ trước nhưng khả năng chiếu sáng của đèn LED trong màn đêm là chưa thật sự xuất sắc. |
Ngoài ra, cách bố trí cụm nút bấm các chức năng còi và đèn signal gây khó trong lúc di chuyển, dễ bị nhầm lẫn vị trí hai nút bấm này khi rẽ trái/phải. Tuy thế, với cộng đồng người dùng trẻ tuổi ham mê tốc độ, mong muốn tìm một chiếc xe mới lạ và không đi theo lối mòn của Exciter hay naked bike mới nổi TFX150, các điểm trừ này hoàn toàn có thể bỏ qua.
Như vậy, trong khi Honda CBR 150R hiện được nhập khẩu qua các đại lý tư nhân với mức giá “khủng”, Suzuki GSX-R150 tạo lợi thế nhờ mức giá rẻ nhưng cả hai mẫu xe này đều chưa tạo sức hút ở trang bị thì Yamaha R15 V3 nổi lên như một gương mặt sáng giá ở khía cạnh giá thành - vận hành. Nó cũng thể hiện Yamaha chăm chút, đầu tư mẫu xe "con cưng" một cách nghiêm túc nhằm đưa R15 V3 trở thành mẫu sport bike 150 phân khối sáng giá ở thị trường Việt Nam.
Hình ảnh: Phan Linh