Điều gì giúp nhanh chóng thu hút sự quan tâm dành cho 'tân binh' SUV 7 chỗ Chevrolet Trailblazer?
Sau màn “dạm ngõ” chớp nhoáng tại Vietnam Motor Show 2017, Chevrolet Trailblazer chính thức ra mắt người dùng Việt. Nhanh chóng thu hút sự quan tâm nhờ sở hữu nhiều trang bị hiện đại kèm một mức giá hấp dẫn, Trailblazer có thể thành công ở phân khúc SUV 7
Khi thông tin Chevrolet Trailblazer chính thức được phân phối trong nước xuất hiện, chiếc xe lập tức nhận được sự quan tâm lớn. Lần đầu tiên bán ra tại Việt Nam, Trailblazer mang đến cho người dùng một sự lựa chọn hoàn toàn mới trong phân khúc Suv 7 Chỗ, phân khúc vốn đang dần trở nên mờ nhạt với những mẫu xe đã quá quen thuộc.
Với những thông số kỹ thuật “đẹp”, hệ thống tính năng an toàn đa dạng, Trailblazer thu hút sự chú ý khi mức giá từ 859 triệu – 1,075 tỷ VND, khá hấp dẫn so với các đối thủ cùng phân khúc SUV 7 chỗ tại Việt Nam. Nhờ vậy, Trailblazer đã tạo được một màn chào sân có thể xem là thành công trên nhiều phương diện. "Đầu" đã xuôi, liệu "đuôi" sẽ lọt với chiếc SUV 7 chỗ tới từ Mỹ?
Otofun News xin gửi tới bạn đọc bài trải nghiệm Chevrolet Trailblazer 2.8L 4x4 AT LTZ (phiên bản cao cấp nhất, trong bài viết sẽ gọi ngắn gọn là Chevrolet Trailblazer).
Ngoại thất khỏe khoắn đậm chất SUV
Trailblazer có phần đầu xe thiết kế mới, nhiều chi tiết hơn với lưới tản nhiệt hai tầng, ốp cản trước và cụm đèn pha tích hợp dải đèn chiếu sáng ban ngày LED mang lại cảm giác hiện đại và tinh tế hơn.
Với các thông số dài x rộng x cao lần lượt là 4.887 mm x 1.902 mm x 1.852 mm cùng trục cơ sở 2.845 mm, Trailblazer 2018 có khuôn hình tổng thể bề thế, rộng rãi hơn nhiều mẫu xe cùng phân khúc. Đặc biệt khoảng sáng gầm lên tới 221 mm, là điểm nổi trội giúp người dùng yên tâm trèo đèo lội suối, hay đơn giản là di chuyển trong phố mùa mưa bão.
Khi nhìn ngang Trailblazer, dáng vấp khỏe khắn của một chiếc SUV thể hiện rõ nhất với các mang khối cùng điểm nhấn với bộ mâm 6 chấu kép, 18 inch, 2 tông màu đi cùng lốp 265/60 R18. Phần đuôi của Trailblazer được tạo khối rõ ràng, cứng cáp hơn ở các khu vực cản sau và quanh đèn hậu.
Nội thất hiện đại, khoa học
Bên trong, Trailblazer được trang bị bảng điều khiển trung tâm và giao diện điều khiển có thiết kế mới có phong cách hiện đại và khỏe khoắn hơn. Chất liệu da và nhựa nội thất cao cấp hơn cũng như những đường chỉ khâu sắc sảo hơn. Vô lăng tích hợp nhiều nút bấm.
Hệ thống nút bấm của Trailblazer bố trí khá khoa học, cân đối và trực quan, giúp việc thao tác thuận tiện và dễ dàng. Các chi tiết mạ chrome trang trí trên cửa xe, cần số, nút xoay gài cầu và hai cửa gió điều hòa trung tâm được sử dụng hợp lý và vừa đủ để tạo điểm nhấn cũng như sự hiện đại cho không gian nội thất.
Đáng chú ý, hệ thống giải trí với màn hình cảm ứng màu 8 inch tích hợp hệ thống MyLink thế hệ mới hỗ trợ kết nối Apple CarPlay® và Android Auto®, điều khiển rảnh tay và nhận diện giọng nói Siri. Trải nghiệm thực tế cho thấy hệ thống giải trí trên Trailblazer có giao diện dễ sử dụng, nhiều tính năng tiện ích.
Trailblazer có thiết kế 7 chỗ ngồi, hàng ghế thứ 1 và 2 có thể cho người lớn ngồi rất thoải mái nhờ ghế xe có thiết kế rộng và dầy cùng với trần xe cao. Hàng ghế thứ 3 theo đánh giá thích hợp cho hành khách có chiều cao <1,65m. Hệ thống điều hòa trên Trailblazer có cửa gió cho cả 3 hàng ghế nên khả năng làm mát nhanh và sâu hơn. Đặc biệt với tính năng khởi động động cơ từ xa duy nhất trong phân khúc sẽ tăng hiệu quả làm mát nội thất trước khi hành khách bước vào bên trong xe.
Nhìn chung, Chevrolet Trailblazer 2018 sở hữu nội ngoại thất đặc trưng của những mẫu SUV tới từ Mỹ: hiện đại, rộng rãi và nhiều trang bị.
Trang bị an toàn chủ động hàng đầu phân khúc
Với 1 chiếc xe SUV 7 chỗ cho gia đình, an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Hiểu được điều đó, Trailblazer đã hào phóng trang bị đầy đủ hệ thống an toàn trên xe, đặc biệt là hệ thống an toàn chủ động thông minh hàng đầu phân khúc như: Hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), Trợ lực phanh (PBA), Hệ thống phân bố lực phanh điện tử (EBD), Hệ thống cân bằng điện tử (ESC), Hệ thống hỗ trợ xuống dốc (HDC), Hệ thống hỗ trợ lên dốc (HSA), Hệ thống chống lăn và kiểm soát văng khi kéo rơ-mooc (Anti-Rolling Protection and Trailer Sway Control)
Bên cạnh đó, Trailblazer còn có thêm nhiều tính năng thực sự hữu dụng đối với một chiếc SUV 7 chỗ cao lớn như: cảnh báo chệch làn đường, cảnh báo va chạm sớm, cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện di chuyển ngang khi lùi xe, hỗ trợ đỗ xe phía trước và phía sau, camera lùi, gương chiếu hậu chống chói, cảnh báo thắt dây an toàn phía sau, cảnh báo cửa xe còn mở chính xác từng cửa, cảm biến áp suất lốp, cảm biến mưa tự động, đèn pha tự động bật/tắt.
Tuy vậy, thiếu sót đáng tiếc nhất và gần như là duy nhất về phương diện an toàn của Trailblazer lại nằm ở một hệ thống mà người dùng ít mong muốn phải sử dụng nhất: túi khí. Mọi phiên bản của xe đều sẽ chỉ được trang bị 2 túi khí cho hàng ghế trước. Lý giải một cách vui vẻ thì có lẽ Chevrolet chú trọng vào việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh.”
Động cơ và hộp số
Tại Việt Nam, Chevrolet Trailblazer được phân phối với ba phiên bản động cơ diesel khác nhau, bao gồm:
- Động cơ turbodiesel 2.8L, DI, DOHC công suất 197 mã lực tại 3.600 vòng/phút, mô-men xoắn 500 Nm tại 2.000 vòng/phút, trang bị trên phiên bản Trailblazer 2.8L 4x4 AT LTZ.
- Động cơ turbodiesel 2.5L, DI, DOHC, VGT công suất 180 mã lực tại 3.600 vòng/phút, mô-men xoắn 440 Nm tại 2.000 vòng/phút, trang bị trên phiên bản Trailblazer 2.5L VGT 4x4 AT LTZ và 2.5L VGT 4x2 AT LT.
- Động cơ turbodiesel 2.5L, DI, DOHC công suất 161 mã lực tại 3.600 vòng/phút, mô-men xoắn 380 Nm tại 2.000 vòng/phút, trang bị trên phiên bản Trailblazer 2.5L 4x2 MT LT.
Trong đó đáng chú ý có động cơ turbodiesel 2.8L, với các thông số hiệu năng cao nhất trong phân khúc SUV 7 chỗ phổ thông tại thị trường Việt Nam hiện nay. Các động cơ nói trên sẽ đi kèm hộp số tự động 6 cấp hoặc hộp số tay 6 cấp, cùng lựa chọn hệ dẫn động cầu sau hoặc hai cầu với núm gài cầu điện tử chuyển đổi linh hoạt giữa các chế độ 1 cầu nhanh, 2 cầu nhanh và 2 cầu chậm với các thao tác đơn giản dù xe đang di chuyển nhanh với vận tốc lên đến 120km/h.
Vận hành và trải nghiệm thực tế
Với những thông số hiệu năng ấn tượng như trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi Chevrolet Trailblazer mang lại khả năng tăng tốc và phản hồi chân ga nhanh nhạy. Động cơ Duramax 2.8L và hộp số tự động 6 cấp vẫn phối hợp một cách ăn ý, phân bổ sức kéo hợp lý, giúp xe tăng tốc mượt mà và giảm khá nhiều độ trễ thường thấy trên các mẫu xe turbodiesel. Vòng tua máy được duy trì ở mức lý tưởng, khi di chuyển với vận tốc 120 km/giờ trên cao tốc và thiết lập kiểm soát hành trình, vòng tua luôn giữ ổn định ở 1.900 vòng/phút.
Độ nhạy của bàn đạp ga và bàn đạp phanh được Chevrolet căn chỉnh khá hài hoà với nhau và với người lái, tránh cảm giác “hẫng chân” khi thực hiện hai thao tác này. Bên cạnh đó, trợ lực điện của vô-lăng cũng cho cảm giác tốt và thật tay chứ không quá nhẹ ở tốc độ thấp rồi đột ngột nặng lên nhanh chóng khi lên tốc độ cao như một số đối thủ cùng phân khúc khác, tiêu biểu là Ford Everest.
Là một chiếc SUV, vì vậy Trailblazer mang tới cho người lái tầm quan sát cao và rộng rãi. Góc chữ A không quá dày và cản trở nhiều tầm nhìn. Song song đó, người lái cũng có thể dễ dàng tìm được vị trí ngồi thoải mái nhất cho những hành trình dài.
Với tất cả những đặc điểm trên, tựu chung lại, Chevrolet Trailblazer mang đến một trải nghiệm cầm lái thoải mái, nhàn nhã và an tâm. Dù tương đối cồng kềnh nhưng người lái vẫn có thể dễ dàng xoay trở và điều khiển xe, nhờ hệ thống cảm biến và an toàn trước/sau hỗ trợ “tận răng”, giúp mọi thao tác trở nên dễ dàng và tự tin hơn khá nhiều.
Như đã nói phía trên, không gian cabin rộng rãi và thoáng đãng giúp các hành khách luôn có được cảm giác thoải mái. Trong chuyến đi thử nghiệm, dù di chuyển khá nhiều trên những cung đường đèo nhưng các thành viên của nhóm không hề cảm thấy mệt, bí bách hay say xe.
Tiếng ồn là một trong số ít những điểm không ưng ý hiếm hoi về phương diện trải nghiệm của người lái và hành khách mà Trailblazer gặp phải, dù Chevrolet cho biết họ đã cải thiện đáng kể vấn đề này. Mức độ ồn đo được khi xe ở trạng thái đứng yên nổ máy là 71 dB và lần lượt tăng lên 74 dB và 77 dB tương ứng với các mức tốc độ 40 km/giờ và 60 km/giờ.
Về mức tiêu thụ nhiên liệu, qua kiểm chứng thực tế, Trailblazer cho kết quả 8,5L/100km khi di chuyển trên đường cao tốc, 11L/100km khi di chuyển trong đô thị và 9,5L/100km khi di chuyển trên đường hỗn hợp. Tuy nhiên, những con số này chỉ mang tính chất tham khảo bởi mức nhiên liệu tiêu thụ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như người cầm lái hay điều kiện đường xá, giao thông.
Kết luận
Chevrolet Trailblazer 2018 là một chiếc SUV an toàn trên nhiều phương diện, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Xe mang trên mình thiết kế an toàn, với đầy đủ những đặc điểm của một mẫu SUV 7 chỗ truyền thống. Không quá phá cách hay đặt mục tiêu cách mạng hoá phân khúc, Trailblazer phù hợp cho nhiều đối tượng người dùng ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Động cơ và hộp số cũng là một lựa chọn an toàn khác của Chevrolet, khi hiệu năng, khả năng vận hành và mức tiêu thụ nhiên liệu của khối động cơ turbodiesel Duramax 2.8L đã từng được kiểm chứng với nhiều đánh giá tích cực.
Tất nhiên, Trailblazer cũng tỏ rõ sự an toàn khi xét đến hệ thống tính năng và trang bị an toàn, với đầy đủ các “món” thời thượng hiện có trong phân khúc.
Trên tất cả, Chevrolet đã tỏ rõ tham vọng tiếp cận số đông người dùng khi đưa ra giá bán rất hợp lý cho Trailblazer. Những thiếu sót còn xuất hiện đâu đó trên chiếc xe gần như đều sẽ được cho qua khi đặt cạnh mức giá từ 859 triệu – 1,075 tỷ VND.
Vì vậy, cơ hội trước mắt dành cho Chevrolet Trailblazer có lẽ sẽ không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh phân khúc SUV 7 chỗ tại Việt Nam đang “cung không đủ cầu” vì Nghị định 116.
Ảnh chi tiết Chevrolet Trailblazer