Tiết lộ cách đo trong cuộc thử nhiên liệu Honda CR-V của Otofun
Mức độ tiết kiệm nhiên liệu của chiếc Honda CR-V được đo bằng 2 cách: Dựa vào đồng hồ của xe và kiểm tra chéo bằng cách đo trực tiếp lượng xăng đổ vào bình.
>> Kết quả khó tin trong cuộc Thử Nhiên Liệu Honda Cr-V của Otofun
>> Kèo test mức tiêu hao nhiên liệu Toyota Fortuner 2.7 AT 2016
Thông thường, cách tính lượng nhiên liệu bằng đồng hồ của xe là cách phổ biến nhất mọi người sử dụng để ước tính số tiền đổ xăng khi sử dụng ô tô hằng ngày. Cứ đổ đầy bình, lấy số tiền chia cho quãng đường đi được, trừ hao cho thời gian tắc đường. Tuy nhiên, kiểu tính này phụ thuộc nhiều tham số khó có thể ghi lại như thời gian dừng chờ đèn đỏ, có tăng tốc nhiều hay không v.v.. Chính vì thế, kiểu tính này bị cho là có độ tin cậy thấp.
Đổ nhiên liệu thủ công khi về tới đích ở Thanh Hoá.
Dù vậy, trong cuộc thử Test Nhiên Liệu giữa 2 thành viên Otofun là Libor (Dũng Nguyễn) và hathanh8286 (Thanh Nguyễn), cách tính dựa trên Trip lại được lựa chọn. Kết quả là khi đo bằng cả 2 cách cho thấy sự sai lệch không lớn.
Chiếc CR-V trước khi xuất phát. |
Vụ thử thách tiết kiệm nhiên liệu đối với xe Honda Cr-V 2.0 đời 2015 bắt nguồn rất tình cờ khi anh Thanh Nguyễn chia sẻ về khả năng có thể đi chiếc xe này với mức tiêu thụ trung bình 5 lít/100km. Điểm xuất phát là tại cây xăng ở ngã ba Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), điểm kết thúc là chân cầu Nguyệt Viên, Thanh Hoá, với hành trình 160km. Tại cây xăng, chiếc Honda CR-V được bơm đầy xăng, sau đó anh Thanh Nguyễn đặt lại Trip về 0. Cho tới khi về đích, mức tiêu thụ trung bình theo đồng hồ là 4,7 lít/100km.
Đồng hồ xe CR-V của anh Dũng (cũng là 2.0 đời 2015) khi ra khỏi cao tốc cho thấy mức trung bình là 4,7 lít/100km, còn khi về đích là 4,9 lít/100km. |
Điều đáng nói là anh Dũng Nguyễn cũng đi một chiếc xe y hệt, chạy cùng quãng đường và cho kết quả tương đương. Theo đồng hồ xe anh Dũng, ra khỏi trạm soát vé Cao Bồ (hết cao tốc Hà Nội – Ninh Bình), đồng hồ xe anh cũng báo mức tiêu thụ là 4,7 lít/100km như xe anh Thanh. “Ra đường 1A mình đỗ nghỉ một lần, vượt xe tải một lần, một lần dừng chờ tàu hoả khoảng 5 phút nên kết quả đến đích là 4.9 lít/100km”, anh Dũng cho biết. “Vì thế có thể thấy đồng hồ xe CR-V hoạt động ổn định như nhau”.
Đo bổ sung bằng cách đổ nhiên liệu thủ công. |
Để so sánh, tổ trọng tài của cuộc thi sử dụng biện pháp đo bổ sung. Trước khi lên đường, xe anh Thanh, chiếc xe thi đấu, được bơm đầy xăng. Sau đó bằng cách nhún xe thật kỹ, các trọng tài đã đổ thêm được gần 5 lít xăng. Tại cây xăng cách chân cầu Nguyệt Viên 3 cây số, các trọng tài bơm xăng vào một bình đo dung tích 5 lít dùng trong ngành y, sau đó đổ vào xe qua phễu. Kết quả, sau rất nhiều lần nhún xe kỹ càng, đã đổ thêm được 6,7 lít xăng. Tính trung bình, con số đo thực tế là 4,1 lít/100km.
Theo anh Dũng, còn có một yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, đó là nhiệt độ. Sự chênh nhiệt độ bình xăng giữa lúc đổ lần 1 và lần 2 có thể dẫn tới sai lệch. Vì vậy, anh Dũng dự kiến tại cuộc thử nhiên liệu xe Toyota Fortuner 2.7 AT đời 2016 ngày 10/3 tới đây sẽ dùng cảm biến nhiệt kiểm tra nhiệt độ bình xăng trước khi đổ, nhằm đạt kết quả chính xác hơn. “Nếu có thể dùng cảm biến đo nhiệt độ xăng bên trong bình sẽ cho độ chính xác cao hơn”, anh Dũng khẳng định.
Mời quý độc giả theo dõi chi tiết về cuộc thử thách sắp tới ở link dưới.
>> Kèo test mức tiêu hao nhiên liệu Toyota Fortuner 2.7 AT 2016