[ĐÁNH GIÁ XE] BMW X1 sDrive18i 2018 - Một trải nghiệm BMW đầy khác biệt!
Với thiết kế đẹp, trải nghiệm tốt và mức giá xe lướt cực “hời”, chiếc BMW X1 này là lựa chọn đáng cân nhắc dành cho những khách hàng đang tìm kiếm một chiếc xe Đức gầm cao giá mềm.
Chiếc BMW lạ lẫm nhưng cần thiết
BMW X1 đời F48 là dòng CUV đầu tiên của BMWvới cấu hình dẫn động cầu trước – điều khiến rất nhiều fan BMW chau mày. Tuy nhiên, điều đó dường như chẳng hề ảnh hưởng đến sức hút của dòng CUV cỡ nhỏ này vì tại châu Âu, doanh số năm 2018 của X1 vẫn gấp rưỡi Q3, GLA và gấp đôi XC40, những đối thủ chính của dòng xe này. Tại Mỹ, sự cách biệt về doanh số của những cái tên kể trên là ít hơn, nhưng X1 vẫn xếp trên phần còn lại. BMW X1 vẫn liên tiếp lập những kỷ lục doanh số trong phân khúc Xe Gầm Cao hạng sang, mặc dù không ít “fan cuồng” hãng xe xứ Bavaria chỉ coi đây là một chiếc “Mini đội lốt BMW”.
Tuy nhiên, bất kỳ dòng xe nào cũng có ý nghĩa tồn tại của nó. Dòng X1 là những chiếc BMW gầm cao rẻ nhất, dễ tiếp cận nhất và chỉ riêng điều đó cũng khiến hàng tá người đổ xô đi đặt mua một chiếc. Việc chia sẻ chung khung gầm UKL2 với các mẫu Mini cũng giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất, mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Dòng lợi nhuận ấy sẽ đi đâu? Tất nhiên là vào túi tiền của BMW, nhưng một phần trong đó sẽ được dùng để nghiên cứu và phát triển các mẫu xe tuyệt vời như BMW i8 hay những dự án xe của tương lai.
Thêm vào đó, không phải ai cũng thích những chiếc BMW dẫn động cầu sau, 6 máy, vô lăng trợ lực dầu như tôi. Trong quá trình phát triển dòng Series 5 F10, ông Johann Kistler, chuyên gia động lực học của BMW đã tiết lộ một sự thật thú vị. “Chúng tôi đã phỏng vấn cả chủ xe 5 Series E60 và những người sở hữu các mẫu xe cạnh tranh, rằng họ muốn gì trên mẫu Series 5 tiếp theo. Câu trả lời của số đông là ‘làm ơn giảm độ nặng của vô lăng, chẳng ai muốn vô lăng rung động khi xe vấp phải ổ gà cả!’. Chúng tôi có hơn 2 triệu khách hàng của dòng xe Series 5 và BMW sẽ thay đổi theo ý kiến của số đông”. Và thế là BMW Series 5 F10 ra đời, đánh dấu sự kết thúc của cảm giác vô lăng “thần thánh” trên xe BMW.
Với dòng X1, như thường lệ, BMW cũng thực hiện những khảo sát chi tiết đối với khách hàng của mình. Kết quả là với thế hệ thứ 2 (F48), 90% khách hàng không biết rằng đây là xe dẫn động cầu trước! Con số gần như tuyệt đối này cho thấy rằng họ tìm đến dòng xe này vì thứ khác. Đó có thể là danh tiếng BMW, sự êm ái, thiết kế, khả năng tiết kiệm nhiên liệu hay tất cả những điều trên.
Công bằng mà nói, Mercedes GLA, Audi Q3 hay Volvo XC40 cũng là những mẫu xe dẫn động cầu trước và có tùy chọn dẫn động bốn bánh giống như BMW X1. Như vậy, trong khuôn khổ bài đánh giá này, chúng ta hãy tạm bỏ yếu tố bánh xe nào chủ động ra và tập trung vào các yếu tố khác của một chiếc xe sang. Hãy cùng tôi phân tích để xem BMW X1 có xứng đáng được lựa chọn hay không và hơn nữa, liệu chiếc xe lướt chỉ mới lăn bánh được chưa tròn 1 vạn km trong bài viết có đáng mua hay không. Chiếc BMW X1 sDrive18i này được chào bán bởi H3T Auto, showroom chuyên xe sang đã qua sử dụng tại Hà Nội.
Thiết kế nổi bật
BMW X1 đời F48 thừa hưởng nhiều chi tiết ngoại thất từ đàn anh X3 và X5, điều rất quan trọng đối với khách hàng trong phân khúc này. Họ muốn 1 chiếc xe BMW mang dấu ấn của những chiếc Bimmer đắt tiền hơn, và đó chính xác là những gì hãng xe xứ Bavaria đã làm. Phần đầu xe trông nổi bật hơn hẳn so với thế hệ trước với mặt ca lăng hình quả thận đặc trưng của BMW – nay đã được thiết kế lớn hơn với các thanh dọc tinh tế hơn.
Cụm đèn pha LED với các vòng LED định vị kiểu “angel eyes” đậm chất BMW mang lại ánh mắt đầy sức sống cho X1 2018, sống động hơn hẳn so với kiểu mắt “chảy lệ” của đời E84 trước đó. Hai cụm đèn sương mù to, tròn của X1 2018 cũng khiến chiếc xe này trông to lớn hơn so với kích thước thực tế và đây tiếp tục là điểm cộng lớn đối với khách hàng của nó: họ muốn 1 chiếc xe trông to lớn nhưng lại có giá bán “rẻ”. Tất nhiên, “rẻ” ở đây là so với các mẫu xe khác của BMW.
Nhìn sang bên hông, X1 đời 2018 không có quá nhiều thay đổi so với mẫu E84 tiền nhiệm. Vẫn là kiểu dáng vuông vắn đặc trưng của SUV/CUV BMW nhưng một số thay đổi nhỏ là đủ khiến X12018 toát lên sự mới mẻ và tân thời. Đường gân đặc trưng chạy xuyên qua các tay nắm cửa là dấu hiệu đặc trưng của mọi mẫu SUV xứ Bavaria và đây cũng là chi tiết tôi thích nhất khi so sánh với GLA và Audi Q3. Chiếc X1 này cũng sở hữu la-zăng đa chấu 18 inch của gói ngoại thất xLine, hai chi tiết này tạo nên vẻ vạm vỡ, mạnh mẽ chứ không nghiêng về sự điệu đà, thời trang như 2 đối thủ đồng hương.
BMW X1 không chỉ sở hữu cá tính mạnh mẽ hơn 2 đối thủ mà còn thực dụng hơn nữa. Vòm cửa kính rộng hơn GLA nhờ thiết kế tổng thể vuông vức, cửa sổ dành cho người phía sau cũng lớn hơn nhiều. Đó là vì GLA mang thiên hướng coupe lai CUV nhiều hơn, trong khi X1 là 1 chiếc CUV truyền thống. Nhưng cũng không vì thế mà X1 thua thiệt về khoản cá tính thời trang. Cụm đèn hậu của X1 2018 cá tính hơn hẳn so với thế hệ E84 trước đó, gần như giống hệt đèn hậu của mãu X5 F15 đắt tiền hơn. Tuy nhiên, điểm trừ không đáng có là các bóng đèn phanh vẫn là dạng halogen, trong khi đối thủ của X1 đều sở hữu đèn hậu full LED. Nhìn chung, nếu xét về ngoại hình thì tôi thích vẻ mạnh mẽ và thể thao của BMW X1 hơn so với 2 mẫu xe của Mercedes-Benz và Audi.
Về kích thước tổng thể, BMW X1 2018 xe có kích thước (dài x rộng x cao) là 4.439 x 1.821 x 1.612 mm, chiều dài cơ sở đạt mức 2.670 mm. Như vậy, so với phiên bản trước (với khung gầm phục vụ hệ dẫn động cầu sau), X1 mới cao hơn 43,2 mm, rộng hơn 22,9 mm nhưng ngắn hơn 28 mm và có trục cơ sở ngắn hơn tới 91 mm. Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng vì với cấu hình động cơ đặt ngang đặc trưng của xe dẫn động cầu trước, không gian cabin của X1 2018 thậm chí còn rộng hơn so với phiên bản trước dù trục cơ sở rút ngắn.
So với Audi Q3 và Mercedes-Benz GLA đời 2018, BMWX1 có lợi thế khá nhiều về kích thước. Cụ thể, X1 dài hơn Q3 248 mm, dài hơn GLA 22 mm, rộng hơn Q3 27 mm, rộng hơn GLA 17 mm, cao hơn Q3 104 mm, hơn GLA 118 mm. Chiều cao vượt trội của X1 khiến chiếc xe thực dụng hơn so với 2 đối thủ, nhất là so với chiếc GLA với chiều cao chỉ 1.494 mm. Về chiều dài cơ sở, X1 ngang bằng với GLA và hơn Audi Q3 69 mm. Nhìn chung, X1 là chiếc xe thực dụng nhất phân khúc CUV cỡ nhỏ.
Nội thất chuẩn BMW
Nhờ kích thước lớn nhất, khoang cabin của X1 cũng mang lại sự rộng rãi và thoải mái hàng đầu trong phân khúc CUV cỡ nhỏ. Khung gầm mới cao ráo hơn, rộng rãi hơn mang đến rất nhiều ưu điểm. Ghế lái đặt cao hơn 30 mm so với đời E84, khiến bạn dễ dàng bước vào xe mà không phải khom lưng như bước vào xe sedan, cũng không phải rướn người lên như bước vào SUV gầm cao thực thụ. Bước vào trong X1 2018, bạn sẽ hiểu ngay vì sao BMW lại lựa chọn khung gầm FWD cho X1 đời thứ 2, đơn giản vì yếu điểm lớn nhất của X1 đời đầu tiên là không gian cabin.
Ngồi ở vị trí lái, bạn sẽ thấy dường như mình đang lái 1 chiếc SUV cỡ trung thay vì CUV cỡ nhỏ vì nó quá rộng và tháng đãng! Khoảng cách từ mặt ghế đến trần xe (headroom) đạt 1.064 mm, tốt hơn so với Audi Q3 (939 mm) và Mercedes GLA (1.016 mm), khoảng đặt vai phía trước của X1 đạt 1.412 mm, ít hơn 1 chút so với Audi Q2 (1.417 mm) nhưng tốt hơn GLA khá nhiều (1.391 mm). Nói chung, nếu như ngồi vào BMW X1 mà bạn vẫn cảm thấy chật chội thì có lẽ giải pháp duy nhất là bạn nên cân nhắc những mẫu xe to hơn, đắt tiền hơn như X1, Q5 hay GLC.
Không gian cho hành khách phía sau là nâng cấp đáng kể nhất của X1 F48 so với thế hệ đầu tiên. Dù tôi vẫn luôn yêu thích những chiếc xe dẫn động cầu sau hơn nhưng công bằng mà nói, đối với khách hàng của phân khúc CUV cỡ nhỏ này thì không gian nội thất mà khung gầm FWD mang lại vẫn quan trọng hơn. Hàng ghế sau của X1 2018 được đặt cao hơn so với thế hệ trước, mang đến tầm nhìn thoáng đãng hơn cho người ngồi sau.
Động cơ, hộp số đặt ngang mang lại không gian rộng hơn và người ngồi sau có khoảng để chân rộng hơn 38 mm so với thế hệ trước. Khoang chứa đồ phía sau vô cùng rộng rãi, lên tới 765 lít, nhiều hơn thế hệ cũ 57 lít. Chưa hết, lật tấm sàn khoang hành lý lên, bạn sẽ thấy một vài ngăn chứa đồ nhỏ có tổng thể tích 113 lít. Có thể thấy, BMWX1 là “vô địch” trong phân khúc về không gian nội thất.
Về mặt thiết kế, khoang cabin BMW X1 2018 vẫn có thiết kế nhấn mạnh vào bề ngang đặc trưng của hãng. Xe được phối 2 màu nhìn khá thẩm mỹ với các chi tiết được phối màu sáng và tối rất nổi bật. Bảng táp lô 2 tầng với điểm nhấn là màn hình 6,5 inch không cảm ứng. Tôi sẽ gọi màn hình này là “đủ dùng”, với độ nét và độ sáng tốt nhưng không có tính năng cảm ứng cũng như kết nối AppleCarplay hay Android Auto. Đó không phải là vấn đề lớn đối với những ai đã quen điều khiển núm xoay đặc trưng của iDrive nhưng đối với những khách hàng đã quen với thao tác cảm ứng, màn hình của X1 sẽ là không đủ. Dù vậy, cả GLA hay Q3 cũng không cung cấp màn hình cảm ứng cỡ lớn.
Gần như mọi nơi bạn chạm vào đều là nhựa mềm hoặc da nhân tạo, riêng các ghế ngồi và 1 phần táp pi được bọc da SensaTec tương đối êm ái và mềm mịn. Da nhân tạo SensaTec của BMW tương đương với da MX Tex của Mercedes-Benz và cả 2 đều cho trải nghiệm tương đương nhau. Dù vậy, nhìn tổng thể thì tỷ lệ da và vật liệu mềm của X1 vẫn tốt hơn Q3 và GLA. Điều này cũng không có gì quá ngạc nhiên vì X1 là mẫu xe đắt nhất với giá xe mới rơi vào khoảng 1,8 tỷ đồng. Chiếc X1 “lướt” trong bài viết được lắp vô lăng M Sport cao cấp với da Nappa và thiết kế đẹp hơn và đang được rao bán với giá 1,699 tỷ đồng.
Trải nghiệm bất ngờ
BMW X1 2018 sở hữu động cơ 3 xy-lanh thẳng hàng cho công suất tối đa 136 mã lực tại 4.400 vòng/phút và lực mô-men xoắn cực đại 220 Nm ở ngay từ 1.250 vòng/phút, một con số cực kỳ ấn tượng. Điều đó có nghĩa là ngay ở tua máy nhiều hơn mức nổ cầm chừng 1 chút, bạn đã có toàn bộ lực mô-men xoắn của khối động cơ tí hon này.
Lực mô-men xoắn ở tua vòng thấp là thứ khiến tôi khá bất ngờ khi cầm lái chiếc BMW X1. Chiếc xe vọt đi ngay khi tôi vừa nhả chân phanh và chỉ cần đệm 1 chút ga, việc vượt xe khác ở dải tốc độ dưới 50 km/h là rất dễ dàng. Chiếc xe rất “lanh”, lả lướt trong phố trong khi khối động cơ không cần phải làm việc ở tua vòng quá cao, và hộp số ly hợp kép Steptronic 7 cấp cũng hoạt động rất mượt mà ở tốc độ đi phố.
Hộp số này được sản xuất bởi Getrag và tinh chỉnh để làm việc hiệu quả với mọi mẫu xe cầu trước, động cơ đặt ngang của BMW, từ X1 cho đến các mẫu Mini. Hộp số này kết hợp với việc khoảng cách từ động cơ – hộp số - bánh dẫn động được rút ngắn đã giảm 3% công năng hao hụt từ động cơ xuống bánh xe so với X1 đời E84 với thiết kế dẫn động cầu sau. Với 1 động cơ nhỏ và không quá mạnh mẽ của X1 sDrive18i, mọi sự tối ưu hóa dù nhỏ đến đâu cũng có ý nghĩa lớn. Ai bảo rằng việc chuyển sang thiết kế dẫn động cầu trước không mang lại ưu điểm gì về mặt hiệu năng?
Với việc chuyển sang khung gầm ULK2, BMW cũng cải tiến hệ thống treo của X1 F48 so với E84. Cách bố trí của hệ thống treo trước McPherson và treo sau đa điểm đã được thay đổi để nâng đỡ nhiều trọng lượng dồn về phía trước hơn. Những bạc đạn kết nối các thành phần của hệ thống treo với nhau được thay bằng loại cứng hơn, giá đỡ trục các đăng cũng vừa được tăng độ cứng, vừa giảm trọng lượng. Những cải tiến này giúp hệ thống treo trước cứng cáp hơn, qua đó tăng sự linh hoạt của BMW X1 2018.
Thực sự, BMW X1là chiếc CUV cầu trước linh hoạt nhất mà tôi từng cầm lái. Dù đồng ý rằng X1 sDrive18i không “bốc” như GLA200 trên đường thẳng nhưng khi vào cua trái phải liên tục, mẫu xe nhà BMW xử lý chính xác hơn, cân bằng hơn và êm ái hơn khi dính ổ gà giữa khúc cua. Tuy nhiên, khi chuyển sang chế độ lái EcoPro thì chiếc xe lại lầm lì đến mức khó chịu. Đó là lý do vì sao tôi luôn để chế độ Sport với BMW X1. Kết thúc hành trình trải nghiệm mẫu xe này, mức tiêu thụ nhiên liệu mà tôi đạt được là 8,5 lít xăng/100 km, một con số tốt hơn sự kỳ vọng của tôi.
Kết luận
BMW X1 là một chiếc xe không có nhiều đất diễn tại Việt Nam. Những ai chỉ cần 1 chiếc xe gầm cao thực dụng thì sẽ đủ hài lòng với các mẫu xe Nhật, hoặc lên hẳn X3 nếu điều kiện cho phép, trong khi những ai đề cao niềm vui cầm lái thì sẽ lựa chọn 1 chiếc sedan như Series 3. Dù vậy, BMW X1 vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc khi nó dung hòa rất tốt trải nghiệm thú vị và sự thực dụng của 1 chiếc xe gầm cao.
Điểm: 7.5/10
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp
- Nội thất sang trọng, dễ làm quen
- Không gian rộng rãi, nhất là hàng ghế sau
Nhược điểm:
- Giá đắt nhất phân khúc
- Cấu hình dẫn động cầu trước
- Không có phiên bản cao cấp hơn ở Việt Nam, chỉ có bản tiêu chuẩn sDrive18i
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)