[ĐÁNH GIÁ XE] BMW M4 2016 - Kẻ kế thừa xứng đáng?
BMW M4 đời F82 đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của dòng xe danh giá nhất của hãng xe xứ Bavaria khi lần đầu tiên, nó sử dụng động cơ tăng áp và hệ thống trợ lực vô lăng điện. Liệu điều đó có khiến M4 “mất chất”?
Một trong những việc “dại” nhất mà hãng sản xuất xe hơi mắc phải là tạo ra một chiếc xe gần như hoàn hảo. Nếu như họ tỉ mẩn hoàn thiện từng chi tiết nhỏ và tạo ra một tuyệt tác, họ đã tự đào hố chôn mình. Khách hàng có thể sẽ yêu thích sản phẩm này đến mức cuồng tín và thậm chí, sẵn sàng quay lưng với nhà sản xuất nếu mẫu xe kế nhiệm không được như họ kỳ vọng.
Đó là vấn đề của BMW với bộ đôi E90 M3 sedan và E92 M3 coupe, hay xa xôi hơn, đó là mẫu E46 M3. Khách hàng của BMWtôn sùng những cỗ máy hiệu suất cao này, cho rằng đó là những chiếc xe cho cảm giác lái tuyệt vời nhất trong phân khúc. Tuy nhiên, BMW không thể cứ mãi sản xuất những mẫu M3 trong quá khứ được, họ phải thả mình theo dòng chảy thời gian, thậm chí phải bơi nhanh hơi đối thủ để không tụt lại phía sau. Khi sự thay đổi đến, điều không tránh khỏi là phản ứng trái chiều của “fan BMW”.
Vậy, bộ đôi F80 M3 sedan và F82 M4 coupe có gì để vượt qua cái bóng khổng lồ của các mẫu xe tiền nhiệm? Đối với những người yêu thích BMW, động cơ I6 tăng áp và vô lăng trợ lực điện là 2 dấu hiệu không mấy tích cực. Tuy nhiên, chúng ta không thể chê bai những cỗ máy thể thao nhất xứ Bavaria khi chỉ mới lướt qua bảng thông số. Vậy, trải nghiệm của mẫu M4 phiên bản sản xuất năm 2016 với nước sơn Yas Marina Blue này có làm thỏa mãn tôi được không? Trước khi trả lời câu hỏi này, ta hãy cùng ôn lại lịch sử của những chiếc M3.
Lược sử M3
Lịch sử của những chiếc M3 bắt đầu với thế hệ E30 (1986-1991). Nếu chỉ gọi E30 M3 là một chiếc Xe Thể Thao thì quả là một sự xúc phạm. Nó là một chiếc xe đua đường phố đích thực, với mục đích tồn tại duy nhất là hợp thức hóa những chiếc xe đua M3 tại các giải Touring. BMW cần bán được 5.000 chiếc M3 để có quyền tham dự các giải Group A Touring Car, nhưng cho đến cuối vòng đời sản phẩm, đã có gần 18.000 chiếc được sản xuất, đơn giản vì nhu cầu của khách hàng là quá cao.
“Dòng xe đua thành công nhất trong lịch sử đua xe”, đó là sự miêu tả không thể chính xác hơn dành cho E30 M3. Dòng xe đua này đã thắng tới 1.436 cuộc đua trong vòng 1.682 ngày! Tức là, gần như ngày nào trong tuần cũng có 1 chiếc M3 bước lên bục vinh quang, dù nếu xét kỹ hơn thì những cuộc đua chỉ được tổ chức vào cuối tuần. Đối mặt với những đối thủ sở hữu nhiều hơn hàng trăm mã lực và hệ dẫn động 4 bánh hiện đại, BMW M3đời E30 vẫn liên tục cho thấy động cơ nạp khí tự nhiên và hệ dẫn động cầu sau vẫn chưa hết thời.
Phiên bản đường phố cũng không khác biệt quá nhiều so với phiên bản đua. Thứ duy nhất về ngoại thất mà E30 M3 đường phố chia sẻ chung với các bản thấp hơn là nắp capô, tất cả các bộ phận khác đều dành riêng cho M3. Với động cơ 2.3L sản sinh 200 mã lực và cân nặng chỉ 1.200 kg, BMW E30 M3 tăng tốc lên 100 km/h trong 6,7 giây và cho trải nghiệm tốc độ gần với xe đua hơn là xe đường phố. Chính vì trải nghiệm khác biệt đó và lịch sử chói lọi với hơn 1.400 chiến thắng trên đường đua nên đối với nhiều fan BMW, E30 M3 là thế hệ đáng mơ ước nhất.
Tiếp nối một tượng đài như vậy, chắc chắn đời 2, E36 M3, cần phải làm rất nhiều thứ để không lọt thỏm trong cái bóng quá lớn của mẫu xe tiền nhiệm. Được sản xuất từ năm 1992 đến 1999, dù vẫn mang tên M3 nhưng đời E36 là một mẫu xe hoàn toàn khác, mang trên mình một nhiệm vụ cũng rất khác biệt. Nếu như E30 là chiếc xe đua đường phố thì E36 là một mẫu sedan/coupe tiện nghi, mạnh mẽ và thực dụng. Bạn còn có thể mua 1 chiếc E36 M3 với hộp số tự động!
Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng E36 không phải là người thừa kế xứng đáng của E30. M3 đời thứ 2 sở hữu động cơ I6 3.0L sản sinh công suất tối đa 286 mã lực giúp xe tăng tốc lên 100 km/h chỉ trong 5,7 giây, nhanh hơn E30 M3 tròn 1 giây đồng hồ! Nếu xét giá thị trường hiện tại thì có vẻ như E36 M3 là phiên bản bị “ghẻ lạnh” nhất, nhưng một khi người hâm mộ BMW nhận ra giá trị đích thực của E36, nhiều khả năng dòng xe này sẽ tăng giá mạnh như đàn anh E30 M3.
Nếu như E36 thiếu đi 1 chút cuồng nộ và mãnh liệt thì E46 lại có thừa điều đó. Với nhiều người hâm mộ, E46 M3 (2000-2006) là hiện thân “chuẩn” nhất của E30 M3 – một chiếc xe đua trên đường phố. Với động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng dung tích 3,2 lít sản sinh 333 mã lực, E46 M3 là chiếc xe sản xuất hàng loạt đầu tiên đạt mức công suất 105 mã lực/1 lít dung tích động cơ. Không những thế, chiếc xe còn thể thao hơn, êm ái hơn, sang trọng hơn so với mẫu xe tiền nhiệm. Xe có thể chạm mốc 100 km/h chỉ trong 5,2 giây và đạt tốc độ tối đa giới hạn ở 250 km/h. Đó là những con số chuẩn mực của một chiếc xe thể thao đầu những năm 2000.
Năm 2003, phiên bản đáng giá nhất của dòng E46, chiếc M3 CSL ra đời. Với khối động cơ 3.2L nay sản sinh tới 360 mã lực và được giảm 110 kg trọng lượng (nay chỉ ở mức 1.385 kg), M3 CSL chỉ cần 4.9 giây để đạt tốc độ 100 km/h. Thêm vào đó, với cổ góp khí nạp bằng sợi các-bon và ống xả titan, M3 CSL có âm thanh chát chúa và xé tai hơn bất kỳ chiếc M3 nào trước đây!
Động cơ V8 trong 1 chiếc M3, tại sao không? BMW đã thử nghiệm công thức này với đời E46 bằng chiếc xe đua M3 GT-R cực kỳ hiếm và nếu có 1 chiếc M3 GT-R được bán ra, giá của nó chẳng hề thua kém những siêu xe hàng đầu. Dù vậy, BMW vẫn thỏa mãn cơn khát V8 của người hâm mộ với đời E90/E92 kế nhiệm. Động cơ V8 4.0L tên mã S65 của E9x M3 sản sinh công suất tối đa 420 mã lực và 400 Nm, có thể đạt tua máy 8.400 vòng/phút kèm với âm thanh chát chúa đầy kích thích. Dù xe chỉ tăng tốc lên 100 km/h trong 4,8 giây, một con số không còn quá ấn tượng tại thời điểm hiện tại, nhưng sự cân bằng và trải ngheiẹm lái thú vị, cộng với âm thanh từ khối động cơ này, là điều mà nhiều người hâm mộ khao khát. Cũng chính vì khối động cơ V8 này mà đời M3/M4 tiếp theo (F80/F82) đã vấp phải sự hoài nghi không nhỏ của fan BMW khi quay trở lại với cấu hình động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng.
Ngoại thất đầy ấn tượng
Một chiếc xe đẹp chưa chắc đã cho cảm giác lái thể thao, nhưng một chiếc xe thể thao chắc chắn phải đẹp. Đó là điều mà khách hàng kỳ vọng và hãng sản xuất phải đáp ứng. Bmw M4 khoác lên mình một vẻ bề ngoài khác biệt rất nhiều so với M3 đời E92. Không còn những đường nét cong, đơn giản nhưng mạch lạc của chiếc M3 với động cơ V8, thay vào đó là sự dữ dằn, gân guốc và đầy cơ bắp của F82 M4.
Chiếc M4 trong bài viết không chỉ có bề ngoài năng nổ hơn đời trước mà nó thực sự lớn hơn hẳn. Xe có chiều dài tổng thể 4.671 mm, dài hơn E92 M3 53 mm. Nếu so sánh với các đời M3 trước, ta sẽ thấy dòng xe thể thao này cứ ngày một phình ra như thế nào. Cụ thể, nó dài hơn E46 M3 180 mm, và dài hơn tới 326 mm so với E30 M3. Thực sự, tất cả mẫu xe hiện đại đều to lớn hơn nhiều so với những thế hệ trước đó, và M3/M4 cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, đời M4 thế hệ thứ 5 này cũng là lần đầu tiên một chiếc M3/M4 lại nhẹ hơn so với mẫu xe kế nhiệm. BMW cho biết họ nhắm tới trọng lượng của chiếc M3 đời E46 và thực sự, họ đã làm được điều đó. Nhờ loại bỏ khối động cơ V8 nặng nề ở đầu xe, BMW M4 với động cơ I6 3.0L có trọng lượng xấp xỉ 1.600 kg – không phải là quá nhẹ, nhưng ít hơn E92 M3 hơn 60 kg, và nhẹ hơn E46 M3 đúng 10 kg. Những con số trên không phải là quá đặc biệt, nhưng nếu cân nhắc rằng 1 chiếc xe hiện đại như F82 M4 phải mang trên mình nhiều hệ thống điện tử và an toàn hơn tất cả đời xe trước thì đây cũng là một thành tích giảm cân ấn tượng.
So với những chiếc 4-series thông thường, M4cũng dễ dàng tạo ra sự khác biệt. Nắp capô “power budge” đặc trưng của M4 tạo ấn tượng sức mạnh và cơ bắp cho dòng xe cao cấp nhất của 4-series. Nắp capô, tai xe được làm bằng nhôm, trong khi nắp cốp sau và trần xe được chế tạo từ sợi các-bon để giảm trọng tâm xe. Ở phần đầu xe, cản trước mang thiết kế dữ dằn và thoáng đãng hơn, vừa mang lại hiệu quả làm mát tốt hơn, vừa tạo ra sự khác biệt với các phiên bản “bình dân”.
Chưa hết, gương chiếu hậu phủ các-bon đen bóng, mặt ca-lăng hình quả thận sơn đen và cánh gió đuôi cùng hệ thống 4 ống xả mang lại vẻ bề ngoại đậm chất thế thao cho BMW M4. Hãng Xe Đức cũng không quên lắp hàng tá logo M4 xung quanh xe để khẳng định tên tuổi của mẫu xe này. Cuối cùng, bộ vành Style 437M 19 inch đi kèm lốp Michelin Pilot Super Sport và cùm phanh M màu xanh đặc trưng là những điểm nhấn đáng kể khác về phần ngoại chất chiếc BMW M4.
Nội thất chỉn chu hơn
Tôi không hề thích nội thất của đời 3 Series F30 một chút nào. So với đời C-Class W205 tương đương thì thực sự là một trời một vực. Hơn nữa, những chiếc 320i “base nhất có thể” mà Euro Auto nhập về Việt Nam càng khiến cách biệt giữa cả về thẩm mỹ và công năng của khoang nội thất F30 và W205 càng lớn hơn. Dù vậy, chiếc BMW M4 này được đặt riêng theo ý chủ nhân nên nó có một khoang nội thất nhìn “tử tế” hơn hẳn so với những chiếc 3 Series tiêu chuẩn.
Hãy bắt đầu bằng chiếc vô lăng. Vẫn là thiết kế đậm chất công thái học với cảm giác cầm nắm tuyệt vời và các nút bấm được bố trí hợp lý – điểm mạnh của cả bản tiêu chuẩn lẫn bản M. Chiếc M4 này được tô điểm thêm với logo ///M và thêu chỉ 3 màu tượng trưng cho logo chi nhánh xe hiệu suất cao BMW. Chưa hết, bạn sẽ thấy 2 nút M1 và M2 đặc trưng của các dòng xe hiệu suất cao xứ Bavaria. Bạn có thể tùy chỉnh mọi bộ phận, từ động cơ, hộp số, hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống treo v.v.. và nhớ vào 2 nút này. Để kích hoạt nhanh chế độ lái ưa thích, bạn chỉ cần nháy đúp vào nút mình chọn. Chủ nhân chiếc M4này đã tùy chỉnh 1 chế độ đi phố, 1 chế độ hiệu năng tối đa cho chiếc xe của mình. Hai nút M1, M2 thực sự rất hữu dụng và giúp bạn đỡ đau đầu trước hàng tá tùy chỉnh mà chiếc M4 cung cấp.
Phía sau vô lăng là cụm đồng hồ kết hợp giữa các bảng đồng hồ cơ và màn hình LCD. Cá nhân tối thích kiểu thiết kế truyền thống này hơn so với kiểu màn hình toàn bộ của Mercedes hay Audi, nhưng tôi không phủ nhận lợi ích của kiểu màn hình tràn viền của 2 hãng xe trên. Bản thân BMW cũng đã chuyển sang màn LCD toàn bộ với thế hệ G20 3 Series và toàn bộ dòng sản phẩm khác nhưng với một chiếc xe thể thao, tôi vẫn có cảm tình với đồng hồ cơ truyền thống hơn.
Màn hình thông tin giải trí cũng là thứ mà M4 tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh, nhất là với C-Class Coupe. Tuy nhiên, xét về độ tiện dụng khi thao tác thì tôi vẫn thích cảm giác sử dụng hệ thống thông tin giải trí của chiếc BMW hơn. Núm xoáy đặc trưng của iDrive rất đầm và cho cảm giác tốt, trong khi màn hình 8,8 inch rất sắc nét và có giao diện rất rõ ràng, mạch lạc. Tám phím tắt bên dưới cửa gió điều hòa cũng khá hữu dụng nếu như bạn bỏ thời gian cài đặt chúng.
Chiếc M4 này được trang bị gói tùy chọn da cao cấp nhất nên cho trải nghiệm sang trọng và êm ái vượt trội so với mọi chiếc F30 tôi từng cầm lái. Ghế ngồi cực êm và ôm người, lớp da bọc thực sự hảo hạng và cho mùi thơm dễ chịu. Bản thân chiếc ghế cũng được đặt rất thấp với mặt đường, mang lại cảm giác ngồi thể thao. Điều đáng ngạc nhiên là cả 2 chỗ ngồi sau cũng rất rộng rãi, thoải mái cho 2 người lớn cao 1m7 ngồi sau. Lưng ghế sau cũng không quá dựng, mang lại sự thoải mái tốt hơn nhiều so với ghế sau của Porsche 911, và cũng thoải mái hơn C-Class Coupe. Những chi tiết trang trí bằng sợi các-bon cũng mang lại chất thể thao cần thiết cho BMW M4, và phần cốp sau với thể tích 445 lít cũng có thể chứa rất nhiều đồ. Nhìn chung, đây là chiếc xe thể thao mà bạn dễ dàng thực hiện những chuyến đi dài với 4 người.
Trải nghiệm ấn tượng
Sự thay đổi được nhắc đến nhiều nhất khi thế hệ F82 trình làng là việc thay thế động cơ V8 bằng động cơ I6 tăng áp kép. Đây là sự trở lại với cấu hình động cơ danh tiếng nhất của BMW nhưng hiển nhiên là có rất nhiều người cảm thấy thất vọng khi khối V8 4.0L nạp khí tự nhiên bị loại bỏ. Vậy, ta hãy so sánh 2 động cơ cũ và mới để thấy được điểm khác biệt giữa chúng.
Xét về dung tích động cơ, khối I6 “hụt” hẳn 1.000 phần khối so với V8 của E92. Tuy vậy, nhờ công nghệ tăng áp, khối I6 của F82 sản sinh 425 mã lực, nhiều hơn 1 chút so với con số 420 mã lực của động cơ V8. Quan trọng hơn, lực mô-men xoắn của khối I6 đạt tới 550 Nm, tăng 150 Nm so với V8. Thêm vào đó, 400 Nm của khối V8 chỉ đạt được ở tua máy 3.900 vòng/phút trong khi trọn vẹn 550 Nm của khối I6 tăng áp đến ngay từ 1.800 vòng/phút và được duy trì tới 5.500 vòng/phút. Điều này thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của BMW F82 M4.
Hãng xe Đức cũng rất nỗ lực để giảm hiện tượng trễ tăng áp với mẫu M4. Họ sử dụng 2 cụm tăng áp cỡ nhỏ với các cánh quạt chế tạo từ vật liệu nhẹ để giảm lực ly tâm và quay nhanh hơn. 3 Xy-lanh ở mỗi hàng sẽ cung cấp khí thải để nuôi 1 cụm tăng áp ở bên đối diện. Các bộ phận như bơm nước được chuyển sang loại chạy điện để giảm hao hụt công suất máy, hệ thống trợ lực cũng là trợ lực điện thay vì loại thủy lực giống như M3 đời trước.
Dù khối động cơ S55 này được sản xuất dựa trên khối N55 nhưng lốc máy đã được chuyển từ thiết kế open deck sang closed deck để tăng độ bền trước áp lực lớn. Tay biên và trục khuỷu cũng là thép tiện CNC với độ bền cao hơn. Đó là lý do tại sao bạn thấy những hãng độ có thể tự tin cung cấp các gói độ lên tới 750 mã lực hoặc hơn cho dòng M3/M4 đời F80/F82. Chưa hết, trục các-đăng được làm từ sợi các-bon với độ cứng xoắn tốt hơn gấp đôi so với thép và nhẹ hơn 40%, trục láp là loại rỗng nên nhẹ hơn và ít hao hụt công suất hơn trục đặc của M3 đời trước. Tất cả những thay đổi đó tạo nên chiếc M3 coupe (xin lỗi các bạn, M4!) tăng tốc tốt nhất từ trước đến nay.
Ngay từ những mét đầu tiên, tôi đã thấy trải nghiệm của chiếc M4khác biệt hoàn toàn so với những mẫu xe tiền nhiệm. Để chế độ lái Normal, chiếc xe lướt đi êm ái, mượt mà như một chiếc xe “bình thường”. Hộp số ly hợp kép 7 cấp làm việc tốt cả ở tốc độ tắc đường Hà Nội và tốc độ 3 con số. Nếu cứ chạy tà tà với chế độ Normal, bạn hoàn toàn có thể lái chiếc M4 hàng ngày mà không phải lo lắng về khả năng bị kìm hãm của nó. Tôi sẽ không nói lái M4 dễ như Toyota Camry – vô lăng nặng hơn nhiều và hệ thống treo cũng cứng hơn gấp bội, nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng chiếc M4 để đi làm cả tuần, và tận hưởng những cung đường đẹp vào cuối tuần. Thậm chí tiếng pô cũng rất êm ái ở chế độ Normal, và dàn loa Harman Kardon cũng cho âm thanh rất ấn tượng!
Chuyển sang chế độ Sport, chiếc xe như bừng tỉnh, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Hệ thống ống xả Akrapovic hàng hiệu (giá 180 triệu VNĐ) được lập trình để đóng mở van phụ theo chế độ lái và khiến chiếc xe gầm rú uy lực hơn hẳn. Không, khách hàng không cần hệ thống loa “giả lập” tiếng pô đâu hỡi BMW, họ chỉ cần 1 hệ thống ống xả độ thôi! Quả thực, chiếc M4 cho trải nghiệm sinh động hơn hẳn với ống xả Akrapovic. Tiếng gầm khi thúc ga mạnh mẽ hơn hẳn, những tiếng nổ after-fire khi sang số hoặc nhả chân ga giòn như tiếng AK 47 khiến người lái không thể ngừng đạp ga và đạp phanh, tốn hàng lít xăng chỉ để nghe những âm thanh đầy kích thích!
Ngay cả hộp số 7 cấp cũng có 1 nút riêng để chỉnh độ “gắt” khi sang số. Khối động cơ I6 tăng áp kép gần như không có độ trễ, cho cảm giác tăng tốc mãnh liệt ngay từ tua vòng cực thấp, dù ở dải tua cao, âm thanh của nó có phần vẫn “hụt hơi” khi so với cỗ máy V8 4.0L. Một điểm nữa tôi chưa ưng ý là cảm giác vô lăng. Vô lăng của M4 đầm, chính xác, nhanh nhạy nhưng không mang lại nhiều cảm giác mặt đường giống như các thế hệ M3trước đó.
Với đa số khách hàng thì có lẽ đó là điều họ sẽ vui vẻ chấp nhận, vì theo Johann Kistler, kỹ sư động năng của BMW, trong quá trình phát triển thế hệ F30 3 Series, “90% khách hàng muốn giảm độ nặng và độ rung của vô lăng”! Đó chính xác là những gì BMW đã làm: thay thế trợ lực dầu bằng trợ lực điện, giảm cảm giác vô lăng và tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Kết luận
BMW M4 là một chiếc xe có nhiều điểm mạnh nhưng vẫn còn một số yếu tố cần cải thiện thêm. Chiếc xe có một khối động cơ tuyệt vời, sự sang trọng và rộng rãi, tiện dụng đúng như mong đợi của khách hàng và quan trọng hơn cả, chỉ cần ấn 1 nút M1 hay M2, chiếc xe sẵn sàng thể hiện dòng máu M của mình. Nhìn chung, BMW M4 vẫn là lựa chọn sáng giá trong phân khúc xe thể thao giá trên dưới 4 tỷ đồng tại Việt Nam.
Điểm: 8.5/10
Ưu điểm:
- Thiết kế thể thao
- Động cơ mạnh mẽ
- Trải nghiệm đáng tiền
Nhược điểm:
- Cảm giác vô lăng chưa tốt
- Ống xả nguyên bản kém thể thao
- Nội thất chưa thực sự sang trọng
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)