[ĐÁNH GIÁ XE] Lamborghini Aventador Roadster - Dòng máu thuần chủng!
Bạn không mua 1 chiếc Aventador mui trần để làm chủ trường đua, bạn mua nó để tuyên bố: “Đúng, tôi đủ giàu để chơi xe Lamboghini đấy!”. Thực sự, không có chiếc xe nào có thể mang lại sự tự tin, sự “đẹp trai” cho chủ nhân giống như một chiếc Lamborghini V12.
Với nhiều cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn, Lamborghini chính là định nghĩa về Siêu Xe, cũng là những tấm áp phích khổ lớn treo ở đầu giường. Đơn giản bởi những chiếc Lamborghini rất đẹp, đẹp đến nỗi khiến những cậu trai đổ rạp dù chúng chưa hiểu 1 chiếc xe hơi hoạt động như thế nào. Khởi đầu là Miura, rồi Countach, Diablo, và Aventador cũng vậy. Siêu xe này thu hút mọi sự chú ý ở bất cứ đâu nó xuất hiện nhờ ngoại thất đầy góc cạnh, thấp và to bè như một chiếc máy bay chiến đấu. Nhìn vào “đôi mắt” sắc lẹm với đèn LED hình chữ Y, ta không thể không nghĩ mình đang đứng trước một con mãnh thú mạnh mẽ và đầy sức sống, có mãnh lực ghê gớm ngay cả khi khối động cơ V12 chưa khai hỏa.
Giống như nhiều cậu bé khác, tôi lớn lên với hình nền 1 chiếc Murcielago trên máy tính. Mỗi lần bật máy, hình ảnh chiếc siêu xe màu vàng kiêu hãnh tung cánh lại chào đón tôi. Khi dần lớn lên, áp lực cơm áo gạo tiền không hề nhỏ - nhưng cũng không thể xóa nhòa giấc mơ cầm lái 1 chiếc Lamborghini V12 trong tôi.
Để hiện thực hóa giấc mơ đó, đã có thời gian tôi làm việc tại đại lý phân phối chính hãng của Lamborghini tại Việt Nam. Ngày ngày đi làm, tôi trực tiếp sờ, ngồi vào, mân mê vô lăng chiếc Aventador màu trắng chính hãng đầu tiên về Việt Nam. Đã có đôi lần tôi lén đề máy chỉ để nghe tiếng gầm của chiếc Lambo trong buổi đêm (tôi đã nhắc đến câu chuyện rằng trong 2 tháng thử việc, tôi chỉ rời văn phòng lúc 9 giờ tối hay chưa?). Đó là một trải nghiệm rất khó tả: vừa sung sướng, vừa hồi hộp, lại vừa nơm nớp lo sợ sếp sẽ quở trách vào sáng hôm sau. Nhưng – chừng đó là chưa đủ thỏa mãn. Điều đó giống như nằm chung giường với 1 siêu mẫu bốc lửa nhưng lại … chẳng làm gì!
Thời gian trôi qua thật mau, tôi rời công ty Lamborghini Việt Nam khi chưa thực hiện được ước mơ thuở bé: lái 1 chiếc Lamborghini V12. Đôi cánh tự do vẫy gọi, tôi không thể chấp nhận cuộc sống văn phòng thêm một ngày nào nữa. Tôi như con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, tôi nhớ những tháng ngày rong ruổi đánh giá xe, những đêm thức trắng cặm cụi chụp những tấm ảnh ưng ý. Tôi khao khát được rong ruổi đến mọi miền tổ quốc, được trải nghiệm đủ loại xe trên đời.
Tôi trở lại với nghề báo. Vài năm trôi qua, đôi tay này cũng đã vần vô lăng nhiều cỗ máy đáng khao khát, nhưng trong tâm trí tôi vẫn còn một khoảng trống. Đó là ước mơ xa xưa: cầm cương 1 chiếc Lamborghini sở hữu động cơ V12. Và nó đây! Lamborghini Aventador Roadster đời 2014 màu trắng, mui trần với gói phụ kiện “full Các-bon” nội ngoại thất. Kẻ mộng mơ sẽ gọi đó là giấc mơ thành hiện thực nhưng với tôi, đó là phần thưởng của một quá trình phấn đấu đầy nỗ lực. Tuy nhiên, trước khi gửi đến các bạn bài đánh giá chi tiết, tôi muốn chúng ta cùng ôn lại một chút về lịch sử hãng xe Lamborghini. Là một người yêu Lamborghini bằng cả con tim và khối óc, tôi thực sự muốn các bạn – và những người yêu thích Lamborghini – đều nắm được phần nào lịch sử của hãng xe thú vị này.
Lamborghini – đủ mọi thăng trầm
Có quá nhiều sự kiện đáng nhớ xảy ra vào năm 1963: hãng xe McLaren ra đời, Iron Man và X-Men lần đầu tiên xuất hiện trong Marvel Comics, ban nhạc huyền thoại The Beatles công bố album đầu tay, siêu phẩm điện ảnh Dr.No, phần đầu tiên của series phim James Bond đốt cháy mọi phòng vé toàn cầu v.v.. 1963 cũng là năm một thương nhân giàu tham vọng người Ý quyết định dùng những hiểu biết về máy móc, cơ khí và marketing của mình vào việc thiết kế siêu xe, thay vì những chiếc máy kéo thô kệch. Thương nhân đó là Ferrucio Lamborghini.
Năm 1916, Ferrucio Lamborghini được sinh ra trong một gia đình khá giả có truyền thống trồng nho tại số nhà 22, thành phố Cento, tỉnh Ferrara thuộc khu thung lũng xe hơi Emilia-Romagna, Bắc Italia. Ngay từ bé, Ferrucio đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến những máy móc sử dụng tại nông trường hơn là nghề trồng nho. Máy móc đã trở thành một phần không thể thiếu đối với chàng trai trẻ nhà Lamborghini. Anh đăng ký theo học Học viện công nghệ để theo đuổi đam mê máy móc. Năm 1940, anh trở thành kỹ sư phục vụ Không quân Hoàng Gia Ý, đóng quân tại đảo Rhodes, Hy Lạp và không lâu sau đó trở thành kỹ sư trưởng, chịu trách nhiệm giám sát đội bảo trì máy bay. Năm 1945, Ferrucio Lamborghini đã bị bắt làm tù binh khi quân đội Anh đánh chiếm đảo Rhodes và ông chỉ có thể trở về nhà khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Sau thời chiến, Ferrucio giải ngũ và mở một gara ôtô tại quê nhà Cento. Máu “chọc ngoáy” lại trỗi dậy, ông đã tìm tòi và tự độ chiếc Fiat Topolino tí hon của mình thành một chiếc xe mui trần 2 cửa. Với chiếc mui trần này, ông tham gia giải đua đường trường Mille Miglia danh tiếng vào năm 1948. Tham dự một trong những cuộc đua đường trường khắc nghiệt, nguy hiểm nhất thế giới trên một chiếc xe tí hon và cực kỳ thiếu an toàn quả là một quyết định liều lĩnh và phần nào phản ánh cá tính ngông cuồng của Ferrucio Lamborghini. Như một hệ quả cho hành động liều lĩnh ấy, ông đã đâm sầm vào một nhà hàng tại thị trấn Fiano, Turin sau khi hoàn thành 1.100 km chặng đua và phải “dừng cuộc chơi”. Tai nạn đó đã ảnh hưởng rất nhiều tới Lamborghini: ông không còn hứng thú với bộ môn đua xe và ngay cả sau này, khi đã thành danh với Automobili Lamborghini, ông cũng không muốn các cỗ xe của mình tham gia những cuộc đua.
Tuy không phải là một tay đua tài năng nhưng Ferrucio chắc chắn là một người có đầu óc kinh doanh lỗi lạc. Cuối năm 1947, ông nhận thấy nhu cầu tái thiết đất nước, khôi phục ngành nông nghiệp sau chiến tranh là rất lớn. Ngay lập tức, ông chế tạo ra chiếc máy kéo đầu tiên với tên gọi “Carioca” bằng một số vật liệu có được từ các khí tài quân sự và dân sự. Chiếc máy kéo này sở hữu động cơ 6 xy-lanh chạy xăng có nguồn gốc từ xe tải Morris. Tuy nhiên, xăng là một thứ nhiên liệu rất đắt đỏ tại nước Ý thời đó nên Ferrucio đã cải tiến chiếc Carioca để xe có thể khởi động bằng xăng và hoạt động bằng dầu diesel. Carioca ngay lập tức được nông dân Ý chào đón nhiệt liệt và đó là tiền đề để Ferrucio lập nên Lamborghini Trattori và thành công tìm đến với ông từ đây.
Đầu những năm 60, Ferrucio Lamborghini đã sở hữu một doanh nghiệp lớn, có nguồn thu khổng lồ và một gia tài khiến nhiều người mơ ước. Như một lẽ tự nhiên, ông kiếm tìm cơ hội phát triển doanh nghiệp sang một mảng kinh doanh khác. Có lẽ ông trời đã sắp đặt một cách vô cùng khéo léo để khiến Ferrari trở thành động lực khiến Ferrucio Lamborghini lập nên một hãng siêu xe của riêng mình, và để người đời nhớ đến cái tên Lamborghini như là một trong những hãng xe thể thao hàng đầu.
Có nhiều câu chuyện giải thích vì sao Lamborghini lại quyết định sản xuất siêu xe thay vì máy kéo. Câu chuyện được biết đến nhiều nhất có lẽ là cuộc tranh luận giữa Enzo Ferrari và Ferrucio Lamborghini. Chuyện kể rằng, Ferrucio đã than phiền với Enzo về bộ ly hợp trên chiếc Ferrari của ông và gợi ý cách cải tiến bộ phận này. Enzo đã kiêu ngạo trả lời: “Ông thì biết gì về siêu xe? Về nhà và lái máy kéo đi!”. Hệ quả là Ferrucio cảm thấy bị xúc phạm và đã lập nên một hãng siêu xe mang tên mình để cạnh tranh với đối thủ truyền kiếp Enzo Ferrari. Đó là một câu chuyện mang đầy màu sắc huyền thoại và có lẽ, nó nên đóng vai trò là câu chuyện truyền cảm hứng cho người đời sau thì tốt hơn.
Một cách giải thích khác: Ferrucio luôn luôn gặp vấn đề với chiếc Ferrari của mình (xe hay hỏng vặt, dịch vụ bảo hành, sửa chữa không tốt hoặc … cà phê ở showroom Ferrari dở tệ, ai mà biết được!). Ông nhận thấy thiết kế của những mẫu xe thể thao đương thời có nhiều thứ cần cải tiến và ông muốn tự tạo ra một mẫu xe thể thao hoàn hảo của riêng mình. Ông có đủ kiến thức về máy móc và cơ khí để làm điều đó. Suy cho cùng thì xe hơi thể thao và máy kéo thì cũng đều là xe cả! Bạn có quyền tin vào bất kỳ cách giải thích nào, nhưng cách giải thích thứ hai dường như là thực tế hơn, phù hợp với kiến thức máy móc cũng như sự nhạy bén với cơ hội kinh doanh của Ferrucio Lamborghini hơn.
Nhiều người sẽ cho rằng chỉ có những gã khùng mới dám đối đầu trực tiếp với những hãng xe thể thao danh tiếng như Ferrari, Jaguar hay Maserati và cho rằng kế hoạch của Ferrucio là quá viển vông và phiêu lưu. Tất nhiên, Ferrucio không hề “tay không bắt giặc”: những lúc rảnh rỗi, ông tháo tung những chiếc Ferrari, Maserati của mình ra để nghiên cứu kỹ lưỡng thiết kế khung gầm, động cơ, hệ thống treo, hệ thống điện v.v.. của chúng. Ông đã khám phá ra rằng rất nhiều bộ phận tương đồng giữa những cỗ máy đắt tiền kia và những chiếc máy cày của ông, thậm chí là giống nhau hoàn toàn: một máy phát điện hiệu Italian Tire được lắp trên siêu xe Ferrari có giá đắt hơn gấp 3 lần! Ferrucio Lamborghini chợt nhận ra cách tối ưu nhất để tạo ra siêu xe: tập hợp những bộ phận tốt nhất đang sẵn có trên thị trường.
Năm 1962, sau khi đã định hướng được đường lối kinh doanh tối ưu, Ferrucio bắt đầu xây dựng nên hãng xe mang tên mình. Tháng 5/1963, ông thành lập công ty “Automobili Ferruccio Lamborghini” và mua một mảnh đất lớn tại Sant’Agata Bolognese để xây dựng nhà máy. Với kinh nghiệm sản xuất và quản lý xuất chúng, Ferrucio Lamborghini không hề gặp khó khăn gì khi dựng lên một trong những nhà máy lắp ráp xe hơi hiện đại nhất thời bấy giờ, với văn phòng làm việc của ông nằm ngay cạnh nhà máy. Điều này khiến ông có thể trực tiếp giám sát mọi công đoạn sản xuất, lắp ráp – một phương thức quản lý mà hiện tại, chúng ta gọi là “micro-management”. Lamborghini thừa hiểu rằng nếu không quản lý chặt chất lượng gia công, sản xuất, những chiếc xe mang tên ông sẽ không thể cạnh tranh nổi với những tên tuổi đã thành danh.
Có thể nói, Ferrucio Lamborghini đã tạo nên một kỷ lục, một điều kỳ diệu mà có lẽ không một ai trong thế giới xe có thể tái diễn: dựng lên cả một nhà máy và chuẩn bị một mẫu xe ý tưởng chỉ trong đúng 7 tháng! Cụ thể hơn, thương hiệu Automobili Ferruccio Lamborghini được đăng ký và nhà máy được chính thức khởi công vào tháng 5 năm 1963 và tháng 11 cùng năm, Ferrucio đã có thể mang chiếc 350 GTV đến trưng bày tại triển lãm Turin. Ferrucio Lamborghini đã thuê nhân công, nhập dây chuyền, máy móc, tuyển và đào tạo kỹ sư, thiết kế những bản thử nghiệm, động cơ, khung gầm cho chiếc xe đầu tiên cộp mác Lamborghini chỉ trong 7 tháng. Để tiện so sánh, các hãng sản xuất xe hiện nay cần 6 tháng cho tới 1 năm để chuẩn bị một mẫu xe ý tưởng với sự trợ giúp của những phần mềm thiết kế hiện đại, những mô hình chi tiết và một đội ngũ chuyên viên thiết kế chuyên nghiệp. Đây có lẽ là một trong những câu chuyện khởi nghiệp ấn tượng nhất trong ngành công nghiệp xe hơi, dường như chỉ có câu chuyện của Tesla mới đủ sức so kè. Trải qua 55 năm đầy thăng trầm với hàng loạt lần đổi chủ, Lamborghini hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và chiếc Aventador Roadster trong bài trải nghiệm hôm nay cũng là biểu tượng mãnh liệt nhất cho “chất Lamborghini”.
“Chất Lamborghini” là gì?
Nói đến Lamborghini, chúng ta không nhắc đến những cỗ máy nhanh nhất, hoặc đem lại cảm giác lái thỏa mãn nhất. Nhắc đến Lamborghini, ta phải nghĩ đến những cỗ máy có thiết kế không giống ai. Đúng, thiết kế là thứ truyền tải bản sắc Lamborghini hiệu quả nhất, và Aventador thực sự xuất sắc trong việc phô diễn “chất Lamborghini”.
“Chất Lamborghini” về mặt thiết kế được thể hiện ở những chi tiết được lấy cảm hứng từ cấu trúc mạng nguyên tử hình lục giác của các-bon. Các-bon là nguyên tố thứ 6 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, và mẫu xe ý tưởng Sesto Elemento cũng có nghĩa là “nguyên tố thứ 6” – Sixth Element. Lamborghini không “cuồng” sợi các-bon một cách vô nghĩa – trên thực tế, họ và McLaren là 2 trong số ít những hãng sản xuất làm chủ được công nghệ sản xuất sợi các-bon ứng dụng trên xe hơi của họ từ đầu những năm 1980.
Hãy nhìn thật kỹ chiếc Lamborghini Aventador tuyệt đẹp này. Mọi đường nét dường như đều chống lại quy luật khí động học, vốn hướng đến 1 thân xe trơn tru, giống hình giọt nước nhất có thể. Aventador được tạo nên bởi những đường thẳng sắc lẹm, tưởng chừng như dụng cụ duy nhất của các nhà thiết kế Lamborghini là những chiếc thước kẻ!
Xuyên suốt từ đầu xe đến chóp đuôi, ta không thể kể hết những chi tiết được lấy cảm hứng từ cấu trúc nguyên tử các-bon, hay nói dễ hiểu hơn là hình lục giác. Nổi bật nhất ở đầu xe là 2 hốc hút gió cực lớn hình lục giác, có tác dụng làm mát 2 cụm phanh trước, song hành cùng 2 cụm đèn pha Xenon với dải đèn định vị LED hình chữ Y (nếu như bạn thắc mắc thì chữ Y đó là phần kết nối giữa các nguyên tử các-bon 6 cạnh). Đúng vậy, trong khi Honda City cũng có đèn LED thì 1 chiếc xe có giá gấp hàng chục lần như Aventador vẫn sử dụng đèn Xenon!
Nhìn sang bên hông, thậm chí ngay cả cặp gương chiếu hậu cũng có thiết kế hình lục giác. Một chi tiết thiết kế khác cũng rất thú vị, đó là đường gân “Tornado Line” chạy thẳng từ mũi xe đến cánh gió đuôi xe. Theo ông Filippo Perini, Giám đốc thiết kế của Lamborghini, đường gân này là “sợi chỉ” kết nối mọi chiếc Lambo từ trước đến nay. Cũng theo ông, Lamborghini là hãng xe duy nhất có thể định hình 1 chiếc xe chỉ bằng 1 đường thẳng. Điều thú vị là vào thời điểm Lamborghini phát triển chiếc Aventador, chỉ có đúng 4 người chịu trách nhiệm thiết kế mẫu xe đầu bảng Aventador tại trung tâm Centro Stile Lamborghini. Bốn người, tính luôn cả Filippo Perini! Bốn người đàn ông là đủ để vẽ lên giấc mơ của hàng triệu người.
Chiếc Aventador này là phiên bản mui trần nên phần nắp động cơ mang thiết kế hào nhoáng hơn so với bản coupe. Trên bản coupe, bạn không có nắp kính nếu không bỏ ra thêm 1 đống tiền. Nếu lựa chọn nắp khoang động cơ bằng kính ngay từ nhà máy, số tiền phải bỏ ra ở Việt Nam là hơn 600 triệu đồng, còn nếu mua riêng về gắn vào xe, bạn cũng phải chi không dưới 300 triệu.
Bạn cũng không có nhiều chỗ để đồ trong khoang cabin đâu!
Phần mui 2 mảnh bằng sợi các-bon có thể tháo rời thủ công, mỗi mảnh chỉ nặng đúng 6 kg. Tất nhiên, nếu trời bất chợt mưa thì có lẽ bạn sẽ không đủ thời gian để lắp mui xe. Tôi và người trợ giúp phải mất hơn 1 phút để tháo lắp bộ phận này và khi tháo mui, 2 tấm các-bon này sẽ chiếm trọn khoang chứa đồ ở mũi xe. Sử dụng siêu xe hằng ngày là rất bất tiện, bạn sẽ học được bài học đó nếu mua 1 chiếc Aventador Roadster!
Động cơ V12
Nếu bạn nghĩ “chất Lamborghini” chỉ là thiết kế nội, ngoại thất thì bạn cũng đúng, nhưng chưa đủ. Một chiếc Lamborghini đích thực phải mang trong mình động cơ V12. Hãy cùng khám phá những thông tin thú vị về khối động cơ V12 hoàn-toàn-mới đầu tiên của hãng siêu xe Ý trong nửa thế kỷ! Đúng vậy, dù vẫn có dung tích buồng đốt xấp xỉ 6.500 phân khối nhưng động cơ V12 của Aventador không hề dính dáng gì đến động cơ Murcielago, vốn được cải tiến từ động cơ của chiếc 350GTV, chiếc Lamborghini thương mại đầu tiên ra đời vào năm 1964!
So với động cơ L537 của Murcielago, động cơ L539 của Aventador mạnh hơn 60 mã lực và 30 Nm (chúng ta đang so sánh những phiên bản tiêu chuẩn với nhau). Động cơ Aventador cũng có đường kính xy-lanh lớn hơn và hành trình pit-tông ngắn hơn so với Murcielago (95 x 76,4 mm so với 88 x 89 mm). Thay đổi này mang lại nhiều lực mô-men xoắn hơn ở tua vòng thấp, thực tế là con số 690 Nm của Aventador cũng đến sớm hơn 660 Nm của Murcielago (5.500 vòng/phút so với 6.000 vòng/phút). Thay đổi này nhằm xóa bỏ những lời phàn nàn rằng Murcielago không đề pa mạnh mẽ như đàn em Gallardo với động cơ V10 5.2L, nhất là khi không sử dụng Launch Control. Đúng, phải thế chứ! Chuyện “đàn anh” đắt giá hơn nhưng lại không sướng ngay từ giây phút đầu tiên đạp ga giống như đàn em là không thể chấp nhận được!
Cũng so với động cơ của Murcielago, khối L539 nhẹ hơn 18 kg, có trọng lượng chỉ 235 kg. Máng dầu cũng được thiết kế lại, khoảng cách từ trục khuỷu đến đáy máng dầu chỉ còn 12 cm, thấp hơn nhiều so với khoảng cách 19,2 cm của động cơ Murcielago. Điều này giúp Lamborghini đặt động cơ Aventador thấp hơn so với Murcielago, giảm trọng tâm xe, tăng độ cân bằng khi vào cua.
2 quả lốp sau có kích cỡ "khủng": 355/25 R21, tương đồng với lốp Bugatti Chiron!
Có thể thấy, dù Aventador vẫn giữ nguyên những yếu tố cơ bản (máy V12 6.5L, góc nghiên xy-lanh 60 độ, 4 bướm ga riêng biệt, không dùng hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp), nhưng khối L539 của Aventador vẫn ưu việt hơn nhiều. Một điểm cộng nữa so với đối thủ là khối V12 này vẫn không sử dụng tăng áp như nhiều đối thủ khác. Dù bạn là fan trung lập hay fan Lamborghini thì đây cũng là điều đáng để tán dương! Động cơ của Aventador được lắp ráp hoàn toàn bằng tay ở nhà máy của Lamborghini tại Ý. Mỗi ngày chỉ có 5 động cơ được lắp ráp hoàn thiện. Một chi tiết thú vị khác: động cơ được đặt lệch 1 chút sang bên người lái để tạo ra sự cân bằng với trục các-đăng nằm dưới nó.
Song hành với động cơ V12 nạp khí tự nhiên là hộp số ISR 7 cấp ly hợp đơn được Lambo phát triển đồng thời cùng Graziano. Hộp số này đặc biệt ở chỗ nó không phải là hộp số tự động biến mô truyền thống, cũng không phải hộp số ly hợp kép mà về mặt cơ khí, nó giống như hộp số sàn nhưng có khả năng tự động sang số. ISR là “Independent Shifting Rod” – ám chỉ rằng hộp số này có tới 4 cần chuyển số thay vì chỉ 2 như hộp số sàn truyền thống. Như vậy, cả 4 cần số này sẵn sàng thực hiện thao tác vào số/nhả số gần như đồng thời. Theo Lamborghini, hộp số này có khả năng chuyển số chỉ trong 50 mili-giây với chế độ lái Corsa, tương đương với hộp số ly hợp kép. Qua hộp số ISR, toàn bộ sức mạnh động cơ được truyền đến cả 4 bánh qua hệ thống dẫn động 4 bánh Haldex thế hệ thứ 4 với tỷ lệ phân bổ lực kéo trước/sau 40/60, máy tính có thể chuyển hết lực mô-men xoắn về cầu sau trong một số tình huống nhất định.
Một điểm nhấn khác về mặt kỹ thuật của Aventador là khung gầm dạng monocoque được chế tác bằng sợi các-bon. Cụ thể, toàn bộ khoang cabin được làm bằng sợi các-bon và các khung phụ trước, sau bằng hợp kim nhôm được gắn trực tiếp vào cabin để tạo nên toàn bộ khung xe. Phần cabin các-bon chỉ nặng 147,5 kg và được chế tác với dung sai chỉ 0,1 mm, có khả năng chịu lực vặn xoắn lên tới 35.000 Nm/1 độ vặn xoắn! HIện nay, trong phân khúc siêu xe có khoảng giá dưới 400.000 USD (tại Mỹ), chỉ có Aventador và những mẫu xe của McLaren là có cabin bằng sợi các-bon. Tính cả phần khung nhôm, cả khung xe Aventador chỉ nặng 229,5 kg, tức là còn nhẹ hơn khối động cơ V12!
Hệ thống treo cũng là thứ đáng kể đến trên siêu xe Aventador. Siêu xe đầu bảng của Lamborghini là đại diện duy nhất trong phân khúc sử dụng hệ thống treo trước, sau kiểu cần đẩy (push-rod suspension) với tay đòn kép. Thiết kế với các thanh giảm xóc ống lồng đặt song song mặt đất giúp tiết kiệm diện tích phía trước để các nhà thiết kế tạo ra mũi xe thấp và nhọn nhất có thể.
Thiết kế này cũng giúp đẩy các thanh giảm xóc vào trong thân xe, hạn chế nhiễu động dòng không khí đi qua bánh xe và hệ thống treo. Vì lẽ đó, dù trông rất hầm hố và có nhiều đường nét thẳng nhưng Aventador có chỉ số cản gió chỉ 0,30 Cd, tốt hơn nhiều đối thủ có thiết kế tròn trịa khác (Ferrari F12 0,33, Porsche 911 Turbo S 0,31). Vậy tất cả những thiết kế hiện đại và khác biệt đó có mang lại trải nghiệm lái thỏa mãn nhất phân khúc?
Trải nghiệm khác biệt
Cầm lái 1 chiếc Lamborghini là trải nghiệm khó quên đối với bất kỳ ai. Nó đặc biệt ngay từ khi bạn bước vào xe. Không, phải là ngồi lọt thỏm xuống sát mặt đường thì đúng hơn! Xe chỉ cao hơn 1,1 mét và khi ngồi ở ghế lái, cảm tưởng như bàn tọa chỉ cách mặt đường đúng 1 gang tay. Bạn giơ tay với lấy cánh tưởng nặng trịch và phải dùng khá nhiều sức mới kéo được nó xuống và đóng cửa.
Xe được trang bị hệ thống âm thanh Sensonum cao cấp, nhưng có vẻ nó quá thừa thãi trên 1 siêu xe "hát hay" như Aventador!
Yên vị ở ghế lái, bạn sẽ thấy tầm nhìn bên ngoài mới tồi tệ làm sao! Hai gương chiếu hậu ở ngoài xe bé đến mức không thể bé hơn, còn gương ở trong xe thì cũng chẳng hữu dụng hơn là bao, hơn nữa, nó lại là hình tròn! Ai lại đặt 1 cái gương tròn vào trong 1 chiếc xe được tạo nên bằng những đường thẳng?
Màn hình trung tâm lại càng tồi tệ hơn! Nó quá bé, không cảm ứng, phản ứng quá chậm với nút điều khiển, chạy giao diện Audi lỗi thời – nói chung là thua xa màn hình Volkswagen Passat. Đệm ghế thì cứng vô cùng – nếu có chiếc xe nào đủ sức tranh giải ghế ngồi cứng nhất thế giới với Aventador, đó chắc chắn là người anh em Huracan!
Thế nhưng, mọi thứ thay đổi khi bạn ấn nút đề máy, giấu dưới nắp đậy màu đỏ chói. Nút đề có nhất thiết phải bị ẩn đi không? Nắp đậy có nhất thiết phải được sơn đỏ không? Hoàn toàn không, nhưng đó như một chút tương ớt siêu cay đủ để thổi bùng vị giác mỗi khi bạn ăn 1 món khoái khẩu. Lamborghini Aventador không phải là mẫu xe bạn sẽ lái hằng ngày, nhưng mỗi dịp cuối tuần, ngồi vào ghế lái, bạn sẽ được nhắc nhở rằng mình sắp lái 1 chiếc xe đặc biệt, chỉ bằng 1 nắp đậy to bằng 2 ngón tay!
Ấn nút, sau 1 loạt tiếng đề loạt soạt đậm chất xe Ý, khối động cơ V12 bừng tỉnh, thét lên 1 tiếng đầy giận dữ và sau khi động cơ đủ nóng, nó trở nên hiền hòa hơn tôi dự đoán. Để chế độ Strada, chiếc xe lướt nhẹ nhàng, 4 ống xả chỉ khẽ phát ra những âm trầm – trầm nhưng vẫn gợi mở, vẫn “cảnh báo” về những gì chúng có thể làm. Ở chế độ Strada, vô lăng đầm và chính xác, nặng hơn nhiều so với những chiếc xe tôi từng lái. Chuyển sang chế độ Sport, âm thanh ống xả phấn khích hơn nhiều và nếu bạn “lỡ” đạp ga khiến khối động cơ vượt quá 3.500 vòng/phút thì lúc này, niềm vui “cưỡi bò” mới thực sự bắt đầu!
Thứ duy nhất choáng ngợp mọi giác quan của bạn là tiếng thét của 12 xy-lanh đặt ngay sau gáy bạn, và trải nghiệm đó càng được nâng cao tột độ với một chiếc Aventador mui trần. Gần 100 decibel ở ngay sau gáy là đủ để bạn muốn hét lên cho thỏa áp lực dồn nén trong lồng ngực. Tôi không cần biết liệu 1 chiếc McLaren tăng tốc nhanh hơn Aventador hay không, hoặc Ferrari 488 GTB có cho cảm giác vô lăng đã hơn hay không (trải nghiệm cá nhân tôi cho thấy cả 2 điều trên là đúng), nhưng ngồi vào 1 chiếc Aventador mui trần, phía sau là là khối V12 6.5L gào thét như một cơn bão cấp 12, mọi sự so sánh với siêu xe cùng tầm đều là vô nghĩa. Tôi nhắc lại nhé: không ai mua Lamborghini để làm chủ đường đua, cũng như tìm kiếm chiếc xe tuyệt đỉnh cho người mê lái. Họ mua Lamborghini là để thỏa mãn đôi mắt và đôi tai, cũng như cái tôi cá nhân!
Chưa hết, lái 1 chiếc Lamborghini tức là bạn không chỉ đơn thuần là thỏa mãn bản thân nữa - bạn đang phục vụ cộng đồng. Cụ thể, bạn đang nuôi dưỡng giấc mơ, nuôi dưỡng đam mê siêu xe của giới trẻ. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của t trong khi đánh giá chiếc Aventador này là khi tôi chạy qua 1 trường cấp 2 đúng giờ nghỉ giữa giờ, vô số bạn nhỏ ùa ra lan can để đc ngắm và nghe tiếng pô chiếc siêu xe tuyệt đẹp này. Tôi về N, nẹt pô để thỏa mãn hàng trăm đôi tai hiếu kỳ. Khi xe đã đi xa cả trăm mét, tôi vẫn nghe thấy vô vàn tiếng reo hò phấn khích của những bạn nhỏ xa lạ. dù cho khối động cơ V12 vẫn gầm gừ sau lưng. Thời học cấp 3, tôi cũng được truyền cảm hứng bởi 1 người xa lạ cầm lái 1 chiếc Aston Martin DB9 màu lông chuột theo đúng cách như vậy!
Điểm: 9.5/10
Ưu điểm:
- Thiết kế độc đáo
- Động cơ V12
- Trải nghiệm choáng ngợp mọi giác quan
Nhược điểm:
- Giá bán quá đắt ở Việt Nam
- Đối thủ mạnh mẽ, hiện đại hơn
- Vô cùng tốn kém khi bảo dưỡng, sửa chữa
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)