[ĐÁNH GIÁ XE] Trong khoảng 1,5 tỷ nên mua xe sang lướt hay xe mới?
Nếu cầm trong tay khoảng 1 đến 1,5 tỷ, bạn có khá nhiều lựa chọn nếu muốn mua xe hơi. Tuy nhiên, liệu chúng ta sẽ chọn xe mới hạng D hay “mạo hiểm” một chút và chọn những chiếc xe hạng sang, tiêu biểu là C-Class và 3 Series?
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ phân tích 2 luồng ý kiến chính về việc liệu có nên mua xe sang đã qua sử dụng hay không, chia sẻ ý kiến của một người đã lăn lộn với nghề kinh doanh xe hơi trong hơn 10 năm qua. Chưa hết, tôi cũng sẽ chia sẻ trải nghiệm với 1 chiếc Mercedes-Benz C200 sản xuất năm 2016, có giá bán 1,250 tỷ đồng, 1 chiếc C250 Exclusive sản xuất năm 2017 có giá 1,639 tỷ đồng và một chiếc Mazda6 2.0L Premium có giá ra biển trắng tại Hà Nội là 1,033 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc mua xe sang “lướt” (xe đã qua sử dụng 1, 2 năm) đã kéo gần mức giá của những chiếc xe sang với các dòng xe bình dân lại gần hơn bao giờ hết, nhất là cặp đôi Mercedes C200 và Mazda6. Thậm chí, giá lăn bánh của những chiếc Camry 2.5Q hay Honda Accordcòn nhiều hơn, tiến gần mức 1,5 tỷ đồng. Vậy những mẫu xe kể trên có gì khác biệt, và liệu bạn có nên “cố một tí” để có thể sở hữu xe sang giá mềm?
Thiết kế ngoại thất
Vẻ đẹp luôn nằm trong mắt kẻ ngắm nhìn, và hiếm khi có 1 thứ gì đó thuyết phục 100% người nhìn. Dù vậy, nếu bỏ qua yếu tố thương hiệu thì tôi vẫn chắc chắn rằng đa phần người đi đường sẽ đánh giá cao thiết kế của C-Class hơn là Mazda6. Hãy cùng tôi phân tích thiết kế ngoại thất của 2 dòng xe này.
Ở phần đầu xe, rõ ràng 2 đại diện của dòng C-Class nổi bật hơn hẳn. Mặt ca-lăng với 2 thanh ngang của C200 đi kèm đèn pha LED cùng tấm cản trước thanh thoát mang đến vẻ đẹp hiện đại cho C200, dù đây là mẫu xe rẻ nhất của dòng C-Class. Nếu lấy Mazda6 2.5L Premium ra so sánh thì mẫu xe này cũng có đèn pha LED, còn chiếc Mazda6 2.0L Premium chỉ có đèn xenon. Tuy nhiên, dù ngôn ngữ thiết kế Kodo khiến Mazda6 rất đẹp so với đối thủ cùng tầm thì thực sự, mẫu xe này vẫn không có đủ sự cuốn hút về mặt thị giác giống như các dòng xe Đức. Nếu so C250 Exclusive “lướt” và Camry 2.5Q thì lại càng khập khiễng.
Phần thân xe cũng là điểm nhấn khác biệt của “team lướt”. Rõ ràng Mazda6 thuộc phân khúc D, có kích thước nổi trội hơn C-Class vốn thuộc phân khúc C. Cụ thể, Mazda6 có chiều dài tổng thể dài hơn C200 tới gần 200 mm. Tuy nhiên, nếu trực tiếp nhìn ngắm 2 chiếc xe này ngoài đời, chiếc C200 lại cho ấn tượng rằng nó dài chẳng kém Mazda6! Vì sao lại vậy?
So sánh tỷ lệ thiết kế của 2 chiếc C-Class và Mazda6
Đó là cái tài của những nhà thiết kế xe lỗi lạc. Mọi tỷ lệ thiết kế của chiếc C-Class đều rất “chuẩn chỉ”, trong khi chỉ nhìn qua ta cũng biết Mazda6 được thiết kế để thực dụng nhất có thể. Chiếc C200/C250 có nắp capô thuôn dài, cột A dốc tạo cảm giác tốc độ và bề thế cho chiếc xe. Khoảng cách từ mũi xe đến tâm bánh trước cực ngắn, cộng với khoảng cách từ trục bánh trước đến chân kính lái dài “miên man” khẳng định 1 điều: C200 là chiếc xe dẫn động cầu sau và có ngoại hình đẹp một cách chuẩn mực.
Chưa hết, những chi thiết được trau truốt cẩn thận như gương chiếu hậu tích hợp dải đèn báo rẽ, bộ la-zăng đa chấu có thiết kế trau truốt hơn hẳn so với Mazda6 và cụm đèn hậu full LED cũng đẹp không kém. Tôi không hề có ý “dìm hàng” Mazda6 vì tôi biết sức hấp dẫn riêng của nó nhưng đáng tiếc là đứng cạnh 2 hoa hậu nhà Mercedes, Mazda6 lép vế hoàn toàn trong cuộc thi sắc đẹp. Đội xe lướt 1 – 0 Đội xe mới bình dân.
Nội thất – thực dụng hay sang trọng?
Nếu như vẻ đẹp ngoại thất là điều bất cứ người đi đường nào cũng có thể quan sát thì nội thất là nơi chỉ những người sử dụng xe mới thấu hiểu sự khác biệt. Hãy coi như tôi đang đứng về “team xe mới”, vậy tôi sẽ lôi những luận cứ gì ra để tranh luận?
Thứ có vẻ như thuyết phục nhất của Mazda6 tất nhiên là không gian nội thất. Chúng ta đang so sánh một chiếc xe hạng D với xe hạng C, lợi thế về không gian khoang cabin tưởng như quá rõ ràng. Hãy bỏ qua không gian ở hàng ghế trước vì cả 2 chiếc xe đều rất rộng rãi. Thứ tôi muốn so sánh là không gian hàng ghế sau. Như đã nhắc ở trên, Mazda 6 có chiều dài tổng thể lớn hơn C-Class khoảng 200 mm, nhưng điều đáng ngạc nhiên là những chiếc C-Class lại có trục cơ sở dài hơn (2.840 mm so với 2.830 mm của Mazda6).
Dù vậy, không gian khoang nội thất Mazda6 vẫn rộng rãi hơn. Khoảng cách từ mặt ghế đến trần xe của Mazda 6 là 942 mm (C-Class 937 mm), khoảng đặt chân 983 mm (C-Class 848 mm), khoảng đặt vai của Mazda6 là 1.409 mm (C-Class 1.397 mm). Như vậy, rõ ràng là nếu bạn đang tìm kiếm 1 chiếc sedan rộng rãi nhất trong tầm tiền, xe bình dân hạng D chiếm ưu thế so với xe sang lướt. Đội xe lướt 1 – 1 Đội xe mới bình dân.
Dù vậy, sự rộng rãi chỉ là một phần trong trải nghiệm của chúng ta trên 1 chiếc ô tô. Hãy nói về những chiếc ghế. Rõ ràng ghế ngồi của C-Class cho trải nghiệm êm ái và thoải mái hơn so với Mazda6. Cả 2 chiếc xe đều có ghế bọc bằng da nhân tạo, nhưng ghế C-Class có thiết kế ôm người hơn, đệm hông dày hơn, tựa đầu êm hơn và đệm đỡ bắp chân có thể kéo dài.
Đây là chi tiết khiến việc ngồi 3 người ở hàng ghế sau C-Class khá bất tiện và kém thoải mái.
Về mặt thậm mỹ, rõ ràng thiết kế của ghế C-Class đẹp hơn, tinh tế hơn. Tuy nhiên, chiếc Mazda6 cũng “gỡ gạc” được đôi chút với hàng ghế sau rộng rãi hơn và các ghế sau có đệm đỡ bắp chân dài hơn C-Class. Hơn nữa, vì là xe dẫn động cầu trước nên Mazda6 cũng có sàn xe phẳng hơn nhiều so với C-Class – chiếc xe của Mercedes-Benz dẫn động cầu sau nên có trụ nhô lên rất cao, chiếm không gian để chân của người ngồi giữa.
Sau bài so sánh sự rộng rãi thì ở những chi tiết khác, chiếc C-Class trở nên vượt trội so với Mazda6. Từ thiết kế vô lăng, bảng đồng hồ thông số và nhất là táp lô và bảng điều khiển trung tâm. Mọi chi tiết của chiếc Mercedes đều vượt trội cả về thiết kế và công năng.
Có lẽ đọc đến đây, bạn sẽ thấy chẳng công bằng chút nào khi so sánh Mazda6 với Mercedes-Benz C-Class. Tuy nhiên, đây là 1 bài toán mà rất nhiều người đang cân nhắc, trong đó có 1 số bạn bè của tôi. Hãy để tôi nhắc lại: giá lăn bánh của Toyota Camry 2.5Q tại Hà Nội là xấp xỉ 1,5 tỷ đồng. Với 1,5 tỷ đồng, bạn hoàn toàn có thể mua 1 chiếc C200 lướt và dư rất nhiều tiền để chăm sóc xe hoặc đơn giản là tổ chức 1 bữa tiệc “rửa xe” linh đình, hoặc “cố một tí” để mua C250 Exclusive lướt, hoặc những chiếc BMW hay Audi tương đương. Như vậy, 2 -1 cho đội xe lướt.
Trải nghiệm
Giới chơi xe có một câu kinh điển: “Một khi đã trải nghiệm xe Đức, bạn sẽ rất khó “xuống đời” xe Nhật”. Tất nhiên, một tuyên bố như vậy sẽ là đúng hoặc sai tùy vào từng hoàn cảnh nhất định, nhưng rõ ràng là đối với nhóm khách hàng đề cao trải nghiệm lái, xe Đức là một thứ gì đó rất đáng khao khát. Vậy trải nghiệm với Mercedes-Benz C200 và Mazda6 2.0L Premium khác biệt ra sao?
Chiếc Mercedes-benz C200 trong bài viết có động cơ M274 4 xy-lanh tăng áp dung tích 2.0L, sản sinh công suất tối đa 184 mã lực tại 5500 vòng/phút và mômen xoắn cực đại 350Nm từ 1200 đến 4000 vòng/phút. Trong khi đó phiên bản C250 Exclusive dùng chung loại động cơ với C200 nhưng cho công suất mạnh hơn, đạt 211 mã lực tại 5.500 vòng/ phút, momen xoắn tối đa 350 Nm tại 1200 đến 4000 vòng/phút. Sự khác biệt đó đến từ việc hệ thống tăng áp của động cơ C250 Exclusive cung cấp áp suất lớn hơn 1 chút so với động cơ C200. Chiếc C200 trong bài viết là phiên bản 2016 nên chỉ được trang bị hộp số tự động 7 cấp 7G-Tronic, trong khi chiếc C250 Exclusive là phiên bản 2017 nên sở hữu hộp số 9 cấp 9G-Tronic.
Trong khi đó, chiếc Mazda6 trong bài viết chỉ có động cơ 2.0L nạp khí tự nhiên cho công suất tối đa 153 mã lực và lực mô-men xoắn cực đại 200 Nm. Phiên bản 2.5L Premium cao cấp nhất có động cơ 2.5L 185 mã lực tại 5.700 vòng/phút, lực mô-men xoắn cực đại 250 Nm tại 3.250 vòng/phút. Tất cả phiên bản Mazda6 đều đi kèm hộp số tự động 6 cấp và hệ dẫn động cầu trước.
Nếu so sánh Mazda6 2.5L Premium và Mercedes C200 lướt, 2 đại diện có mức giá gần nhau nhất, ta vẫn thấy chiếc C200 trội hơn nhờ động cơ tăng áp. Công suất tối đa của 2 chiếc xe là tương đương nhau, nhưng C200 có lực mô-men xoắn cực đại vượt trội (300 Nm so với 250 Nm) và lực mô-men xoắn cực đại này được duy trì ở dải tua vòng rất rộng (1.200 đến 4.000 vòng/phút), trong khi động cơ 2.5L của Mazda 6 chỉ “lên đỉnh” ở 3.250 vòng/phút và không duy trì được lực kéo này ở dải tua vòng cao hơn.
Lời khuyên dành cho những ai đang phân vân giữa C200 và Mazda6 2.5L: đừng lái thử chiếc Mercedes trước – bởi ngay từ khi ngồi vào ghế lái chiếc xe Đức, bạn sẽ bị thuyết phục. Vô lăng cho cảm giác đầm chắc, chính xác và chân thật hơn vô lăng Mazda, chân ga và chân phanh cũng đầm và đáng tin cậy hơn đối thủ Nhật. Khối động cơ của Mercedes-Benz C200 cũng vận hành mượt mà hơn, cả khi nổ cầm chừng lẫn khi đạp hết ga.
Hệ thống treo của C200 cũng kiểm soát dao động tốt hơn, lốp cơ bản của chiếc xe cũng tốt hơn (Bridgestone Conti Sport Contact 5 SSR so với Toyo Proxes của Mazda6) và khung gầm của chiếc Merc cũng cứng cáp hơn nhiều so với Mazda6. Sự vượt trội của từng thành phần trên đã mang lại trải nghiệm tốt hơn nhiều so với Mazda6.
Dù vậy, không có nghĩa là chiếc Mazda6 không thể mang lại trải nghiệm đủ tốt cho nhóm khách hàng ưa thích lựa chọn an toàn. Đối với những người chỉ đơn thuần muốn sở hữu một chiếc xe rộng rãi, đẹp và có động cơ bền bỉ, tiết kiệm xăng, đây vẫn là một lựa chọn tối ưu. Tôi có một người bạn vừa mới thay lốp Toyo Proxes bằng bộ lốp Bridgestone Turanza T005A với chi phí khoảng 16 triệu. Thực sự, một bộ lốp tốt là đủ để cải thiện trải nghiệm của bạn với chiếc xe “bình dân” của mình: êm ái hơn, yên tĩnh hơn, ổn định hơn. Tuy nhiên, về mặt trải nghiệm thì sự khác biệt giữa 1 chiếc xe sang lướt và xe bình dân mới là quá rõ ràng. 3 -1 cho đội xe lướt.
Chi phí bảo dưỡng, vận hành
Tất nhiên, trở ngại lớn nhất mà những người đang cân nhắc mua xe sang lướt là chi phí vận hành và sửa chữa, bảo dưỡng, dù có thể khẳng định rằng “xe sang” vượt trội hơn hẳn so với xe bình dân như đã phân tích ở trên. Bên cạnh đó, nhiều người rất ngại việc phải sử dụng lại đồ của người khác – họ sẵn sàng mua xe thấp cấp hoàn toàn mới thay vì mua xe đã qua sử dụng. Đó là tâm lý mà tôi hoàn toàn thấu hiểu. Để tìm câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi “xe sang lướt hay xe bình dân mới”, tôi đã trò truyện với anh Nguyễn Quang Trung, một người đã có kinh nghiệm kinh doanh xe hơn 10 năm và đang là đồng sở hữu của showroom H3T Auto.
Theo chia sẻ của anh Trung, chuyện 1 chiếc xe gặp phải sự cố nghiêm trọng trong thời gian bảo hành là rất hiếm, chủ xe chỉ việc sử dụng và bảo dưỡng đúng hạn. Như vậy, nếu chọn xe lướt, khách hàng vẫn còn 1 đến 2 năm bảo hành chính hãng, chưa kể 1 số xe còn được mua gói gia hạn thời gian bảo hành.
Vậy nếu 3 năm bảo hành đã trôi qua thì sao? Anh Trung chia sẻ rằng những người chơi xe Đức thường yêu xe hơn, chăm xe kỹ hơn so với chủ sở hữu xe Nhật. Do đó, nếu chọn được đúng xe chất lượng, chủ xe “có tâm” thì chiếc xe Đức sẽ bền bỉ chẳng kém xe Nhật. Tất nhiên, cả anh Trung và tôi đều không phủ nhận rằng đối với những người mua xe lần đầu hoặc không hiểu sâu về kỹ thuật, mua xe Nhật vẫn là 1 lựa chọn an toàn và tối ưu.
Còn về chi phí sử dụng, bảo dưỡng thì sao? Anh Trung cho biết, xe Đức thời hiện đại không hề ăn xăng như nhiều người nghĩ. Bản thân anh Trung cũng đã từng thử đổ đầy bình xăng chiếc C200 và di chuyển được 800 km trước khi đồng hồ báo sắp hết xăng. Về tiền thay dầu thì xe sang có chu kỳ thay dầu mỗi 10.000 km, với chi phí thay dầu và lọc dầu khoảng 3 triệu VNĐ, nhiều hơn so với thay dầu xe Nhật. Tuy nhiên, sự chênh lệch lại đến từ chất lượng dầu nhớt chứ không phải là do chủng loại xe.
Tất nhiên, nếu sử dụng xe sang thì chủ xe cũng phải đối mặt với nguy cơ mất trộm vặt nhiều hơn. Gương xe Mercedes là thứ rất dễ bị mất cắp, bên cạnh logo, chụp la-zăng, thậm chí là cả … bánh xe. Đó là thực trạng hiện chưa có cách giải quyết triệt để, và chủ xe sang nên tự bảo vệ bằng cách luôn gửi xe ở nơi đáng tin tưởng và mua bảo hiểm mất cắp. Đó là những biện pháp phòng ngừa cần thiết nếu bạn không muốn phải bỏ ra số tiền gấp 5, 7 lần xe bình dân để mua đồ thay thế khi bị mất cắp.
Kết luận
Có thể thấy, khách hàng ở tầm tiền khoảng 1,5 tỷ thường chia làm 2 nhóm: 1 nhóm thích những lựa chọn an toàn, 1 nhóm lại chọn xe theo trải nghiệm. Nhóm khách hàng đầu tiên sẽ lựa chọn những chiếc xe Nhật như Mazda6, Toyota Camryhay Honda Accord, còn đối với nhóm khách hàng thứ 2, những chiếc xe Đức đã qua sử dụng là đáng sở hữu hơn. Có thể thấy, xe Nhật cỡ D với ưu thế rộng rãi, chi phí sử dụng, bảo dưỡng hợp lý và tính thanh khoản cao vẫn luôn có chỗ đứng, còn xe Đức lướt sẽ phục vụ tốt những khách hàng đề cao trải nghiệm lái.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)