[ĐÁNH GIÁ XE] Hyundai Kona 1.6T 2019 - Tràn hứng khởi!
Hyundai Kona là kẻ đến sau ở phân khúc CUV cỡ B, nhưng nó đang là ông hoàng doanh số - một ông hoàng xứng đáng!
Từ trước đến nay, ai cũng biết HyundaiThành Công là một “ông lớn” trong ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam nhưng ít người biết rõ sức ảnh hưởng của Hyundai Thành Công lớn tới mức nào. Điều đó hoàn toàn thay đổi kể từ tháng 7 năm nay, thời điểm mà Hyundai Thành Công lần đầu tiên công bố doanh số Xe Hàng tháng của họ. Ngay lập tức, Hyundai Grand i10 chễm chệ chiếm ngôi đầu bảng top 10 xe bán chạy nhất Việt Nam. Kể từ đó đến nay, 2 đại diện của Hyundai là Grand i10 và Accent liên tục có mặt trong top 5 xe bán chạy nhất thị trường.
“Ôi dào, bây giờ làm gì chọn được màu em ơi! Ra xe nào là hết xe đấy, xe vừa về đại lý, các bạn sale chụp vội mấy tấm ảnh là phải bàn giao khách hàng luôn”. Đó là câu trả lời mà anh nhân viên marketing Hyundai dành cho tôi khi tôi hỏi về Hyundai Accent. Ai cũng biết Grand i10 và Accent bán chạy như thế nào, nhưng sự thành công của Hyundai Kona thì lại là một điều bất ngờ lớn. Một mẫu xe “sinh sau đẻ muộn”, có thiết kế quá khác biệt và xâm nhập thị trường khi “cựu vương” Ford EcoSport vẫn đang làm mưa làm gió.
Ford EcoSport đã hất cẳng Chevrolet Trax, đá bay Hyundai i20 Active và làm chủ phân khúc CUV đô thị cỡ B, nhưng sự độc tôn của mẫu xe này có lẽ đã đi đến hồi kết với sự xuất hiện của 2 đối thủ sừng sỏ: Honda HR-V và Hyundai Kona. Đứng trước 2 đối thủ vừa trẻ, vừa khỏe này, Ford EcoSportdường như chỉ còn đúng lợi thế giá bán.
Nhưng lợi thế đó là chưa đủ, và doanh số tháng 10 và 11/2018 là minh chứng. Ford EcoSport có doanh số 444 xe, trong khi Honda HR-V đạt doanh số 740 xe, Hyundai 650 xe. Honda HR-V “hụt hơi” với doanh số chỉ 247 chiếc trong tháng 11, nhưng đà tăng trưởng của Hyundai Kona vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Mẫu Xe Gầm Cao đô thị của Hyundai đạt doanh số lên tới 793 xe, tăng 22% so với tháng 10. Doanh số cộng dồn 3 tháng kể từ khi Kona được chính thức bán ra tại Việt Nam là 1.858 xe. Tôi dự đoán rằng trong 2 tháng trước Tết Nguyên Đán 2019, doanh số Hyundai Kona còn tăng mạnh hơn nữa. Lúc này, giới hạn duy nhất cho đà tăng trưởng vũ bão trên là năng lực sản xuất của nhà máy Hyundai Ninh Bình. Vậy, Hyundai Kona – mẫu xe có giá bán từ 615 đến 725 triệu đồng - “có gì hot”?
Thiết kế đột phá
Khoảng hơn 1 thập kỷ trước đây, nói đến xe Hàn, người ta nghĩ ngay đến những mẫu xe copy không bản sắc, “Ba không”: Không bản sắc. Không thiết kế chủ đạo. Không sự gắn kết về mặt thiết kế giữa các dòng xe. Nhưng thời thế thay đổi nhanh chóng và sự kiên trì của cặp đôi Hyundai – KIA đã được đền đáp xứng đáng. Tính đến hết năm 2017, tập đoàn Huyndai Motors (bao gồm cả Kia) là tập đoàn xe hơi lớn thứ 4 thế giới xét theo sản lượng xe, những mẫu xe của 2 thương hiệu này liên tục lọt vào top 10 xe đáng tin cậy nhất của Consumers Report, xóa tan định kiến về chất lượng xe Hàn. Còn về thiết kế ư? Kia có mặt ca lăng “mũi hổ” Tiger Nose, Hyundai có mặt ca lăng “thác nước” Cascading Grille, hai trong số những thành tựu của Peter Schreyer và Luc Donckerwolke. Những chiếc Hyundai – KIA thời hiện đại giờ đây có những gương mặt mới đầy hứng khởi và quan trọng hơn, đó là những gương mặt đậm chất Hyundai và KIA – không sao chép, không lai tạp.
Hyundai Kona được đặt tên theo một quận thuộc Đảo lớn của quần đảo Hawaii, là nơi đón vô vàn khách du lịch mỗi năm. Kona cũng là địa danh ưa thích của những người ưa khám phá thám hiểm. Sự năng động, tinh thần ưa khám phá và sự trẻ trung có lẽ cũng là những chủ đề mà Hyundai Kona hướng tới. Chiếc xe này được chịu trách nhiệm thiết kế bởi Luc Donckerwolke, nhà thiết kế cũng trực tiếp chịu trách nhiệm chắp bút siêu xe Lamborghini Murcielago. Hyundai Kona đến muộn trong cuộc chơi SUV độ thị, và nó phải đủ khác biệt để gây tiếng vang. Tin tôi đi, sự khác biệt là thứ Konacó thừa!
Chúng ta đã nói đến việc Hyundai từng đi sao chép thiết kế của những khác xe khác. Đúng vậy, đó là 1 điều hiển nhiên khi các hãng xe ra đời sau thường có xu hướng học hỏi những thiết kế được cho là chuẩn mực. Bạn luôn học cách chơi những bản nhạc bất hủ khi mới tập tọe gõ phím đàn, đúng không?
Hyundai và Kia cũng vậy. Năm 2006, Peter Schreyer về với đội KIA, thương hiệu con của Hyunda Motors. Không ai phủ nhận rằng từ vị trí trưởng ban thiết kế cho đến chủ tịch tập đoàn, Peter Schreyer luôn mang phong cách xe châu Âu vào những mẫu xe Hàn hiện đại. Giờ đây, sau khi đã chơi thạo những bản nhạc bất hủ, các hãng xe Hàn đã tạo ra bản sắc của riêng mình với lưới tản nhiệt “mũi hổ” của KIA và Cascading Grille của Hyundai. Giống như lưới tản nhiệt 2 quả thận của BMW hay kiểu lục giác khổng lồ của Audi, 2 thiết kế của Hyundai và KIA đủ đẹp, đủ khác biệt để bất kỳ người đi đường nào cũng nhận ra đó là xe Hàn. Đó là 1 sự thành công đáng ghi nhận.
Nhưng Hyunda chưa dừng lại. Họ thậm chí còn tạo ra xu thế với thiết kế đẩy đèn LED định vị ban ngày lên phía trên và bố trí đèn pha LED ở thấp hơn, đặt trong 1 vùng ốp riêng trên cản trước. Thiết kế này tạo ấn tượng Kona có đôi “mắt hí” – chi tiết này mới Hàn Quốc làm sao! Không giống với 1 anh bạn mắt hí khác là Mitsubishi Xpander, cả đèn định vị và đèn chiếu sáng của Kona đều là đèn LED. Nếu đèn gầm cũng là dạng LED thì quả thực không còn gì để bàn nữa! Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy đèn gầm dạng Halogen – dù không quá thẩm mỹ - nhưng lại có công năng tốt hơn đèn LED, nhất là đối với những ai thường xuyên đi đường đèo núi.
Hãy nhìn thật kỹ thiết kế phần đầu của Hyunda Kona – mọi chi tiết đều có sự kết nối, mạch lạc và hài hòa. Từ 4 đường gân trên nắp capô cho đến 2 phần ốp nhựa đen bao quanh cụm đèn pha – tất cả đều hợp mắt, có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Thực sự, đây là thiết kế châu Âu với mọi đường nét đều được cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhìn sang phần thân xe, từ nóc xe thuôn thoải về đuôi cho đến đường gân đậm nét ở thành cửa, 2 phần nhựa đen ốp vòm bánh xe và 1 dải crôm nho nhỏ ở bên dưới, tất cả đều rất tự nhiên, không gượng ép. Đúng vậy, HyundaiKona không cần những mảng crôm ngoại cỡ để thu hút sự chú ý – những đường nét mượt mà và khác biệt kể trên là quá đủ để tạo ra ngoại hình đầy hấp dẫn với giới trẻ. Tuy nhiên, 1 chi tiết trông không “trẻ” 1 chút nào là ăng-ten hình thanh xoắn gắn trên nóc xe. Nếu như Kona có ăng-ten vây cá thì sẽ phù hợp hơn.
Một nhà thiết kế tài ba sẽ tạo ra được sự gắn kết giữa những chi tiết điểm nhấn ở đầu xe và đuôi xe để tạo ra 1 chiếc xe có vẻ đẹp hài hòa, “đẹp không góc chết”. Hãy nhìn phần đuôi chiếc Kona: đèn hậu cũng “mắt hí” như dải LED phía trước đầu xe, cụm đèn xi-nhan và đèn báo lùi cũng được đặt trong tấm ốp nhựa đen tương tự như đèn pha phía trước.
Tôi đã phát chán những chiếc xe cho tôi cảm giác phần đầu và đuôi … chẳng liên quan gì đến nhau, và xét về điểm này, rõ ràng Hyundai Kona lại “trên cơ” so với đối thủ. Dù vậy, dải crôm mỏng chạy ngang đuôi xe Kona nhìn khá lạc tông – đây là điểm trừ đối với tôi. Dù vậy, tôi vẫn sẵn sàng dành điểm 9/10 cho thiết kế ngoại thất Hyundai Kona. Nó sở hữu vẻ đẹp ngoại thất phản ánh đúng cá tính trẻ trung và khác biệt – thứ cần thiết để thu hút khách hàng trong nhóm tuổi 25 – 40.
Hyundai Kona có kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt là 4165 x 1800 x 1565 mm, chiều dài cơ sở đạt 2.600 mm. Đây là những thông số đều nhỉnh hơn Ford EcoSport (nếu không tính lốp dự phòng, Ford EcoSport ngắn hơn Kona 69 mm, chiều dài cơ sở ngắn hơn 81 mm). Tất nhiên, Hyundai Kona không to lớn như HR-V, nhưng nếu sự rộng rãi là yếu tố quan trọng nhất thì “fan Hyundai” hoàn toàn có thể lựa chọn Tucson, mẫu xe lớn hơn HR-V.
Một số hình ảnh khác về ngoại thất Hyundai Kona:
Nội thất ngập tràn tiện nghi
Sự hứng khởi mà ngoại thất Konamang lại vẫn được duy trì khi bạn bước vào trong mẫu CUV này. Thứ đầu tiên thu hút sự chú ý của bạn là màn hình trung tâm 8 inch cảm ứng, có hỗ trợ kết nối Apple CarPlay. Màn hình này có độ sáng tốt và đi kèm những nút cứng hai bên và 2 núm vặn rất tiện dụng.
Tuy nhiên, màn hình của Ford EcoSport vẫn cho cảm giác cao cấp hơn: mượt mà hơn và có giao diện thông minh hơn. Bù lại, màn hình của Kona được việt hóa hoàn toàn và có bản đồ Navitel được cập nhật liên tục. Bạn có thể tìm đại lý Hyundai gần nhất, xem tốc độ giới hạn ở cung đường bạn đi và nhiều tiện ích nhỏ rất hữu ích khác. Tất nhiên, trải nghiệm với 2 màn hình của Kona và EcoSport là hoàn toàn vượt trội so với màn hình khá lỗi thời của HR-V.
Bên dưới màn hình là cụm điều khiển điều hòa và bên dưới nữa là khu vực tôi rất thích. Đó là hàng loạt cổng kết nối: 2 cổng USB, 1 AUX, 1 cổng 12V và đặc biệt là dock sạc không dây chuẩn Qi, thứ đồ chơi sành điệu chỉ Kona có trong phân khúc CUV đô thị. Hai cổng USB của Kona cũng có tốc độ sạc khá nhanh với cường độ dòng điện khoảng 1.5 đến 2a.
Nhìn xuống khu vực cần số, bạn sẽ thấy nút chuyển 3 chế độ lái: Eco, Comfort, Sport và nút tắt cảm biến đỗ và nút Hỗ trợ đổ đèo. Tuy nhiên, có tới 2 nút trống ở cạnh cần số, có lẽ đó là những tính năng đã bị lược bỏ nhằm giảm giá xe. Hai điểm nữa tôi không ưng là cần số tay vẫn là dạng cần dài và 2 hộc để cốc trung tâm khá nhỏ, chỉ vừa vặn các chai nước 350 ml hoặc nếu cố nhét thì vẫn tạm vừa 2 chai 500 ml. Hộc để cốc của Honda HR-Vcó thể chứa 2 chai 1 lít! Mẫu xe đắt hơn của Honda cũng có phanh tay điện tử và chế độ giữ phanh Auto Hold.
Trở về khu vực người lái, thứ tôi rất ưng là màn hình nhỏ nằm giữa 2 đồng hồ cơ. Màn hình này có nhiều chế độ hiển thị và đặc biệt, nó hiện thị chính xác áp suất lốp của từng bánh xe theo thời gian thực, trong khi Ford EcoSport và Honda HR-V không có hệ thống kiểm soát áp suất lốp, Ford EcoSport thậm chí còn không có Ga tự động (Cruise Control).
Vô lăng của Kona được bọc da mềm mại hơn vô lăng HR-V và có thiết kế hiện đại hơn đối thủ Nhật (đây là ý kiến cá nhân tôi). Kona không có lẫy chuyển số sau vô lăng như HR-V nhưng điều đó chẳng mấy quan trọng vì Kona bảo cao cấp nhất sở hữu hộp số ly hợp kép 7 cấp, thứ cho hiệu năng vượt trội so với hộp số CVT của HR-V. Cần gì phải bấm lẫy để chuyển “số ảo” khi Kona có 7 cấp số thực sự?
Tuy nhiên, đỉnh táp lô và táp pi của Kona là nhựa cứng trong khi các bộ phận này của HR-V được bọc nhựa mềm. Đèn đọc sách và đèn trang điểm sau tấm che nắng của Kona là Halogen, trong khi đèn của HR-V là LED. Mẫu xe Hyundai cũng chỉ có cửa sổ trời dạng nhỏ, trong khi HR-V là cửa sổ trời toàn cảnh. Ghế ngồi của Kona cũng khá êm ái, nhưng lớp da bọc của HR-V vẫn mềm hơn.
Những thứ đồ chơi kể trên đa phần đều có thể độ thêm được, nhưng có những điểm mạnh tạo ra sự khác biệt của Hyundai Kona với phần còn lại, những thứ gần như không thể độ lại, hoặc tốn quá nhiều tiền nên không mấy khả thi. Đó là động cơ, hộp số và khung gầm, 3 yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên trải nghiệm của một chiếc xe. Ta sẽ khám phá những thành phần này trong phần trải nghiệm thực tế ở bên dưới.
Về trang bị an toàn, HyundaiKona cũng không hề “ngán” bất cứ đối thủ nào. Cụ thể xe có: camera lùi, cảm biến lùi, cảm biến trước sau (bản 1.6T cao cấp nhất), cân bằng điện tử, chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAC và 6 túi khí,hỗ trợ phanh khẩn cấp BA, hỗ trợ khởi hành xuống dốc DBC, cảnh báo điểm mù BSD, cảm biến áp suất lốp. Điều tạo ra sự khác biệt rõ ràng đối với Honda HR-V và Ford EcoSport là cả 3 phiên bản của Kona đều sở hữu những trang bị an toàn trên với 2 ngoại lệ duy nhất là bản 2.0 AT tiêu chuẩn không có cảnh báo điểm mù, và chỉ bản 1.6T có đầy đủ cảm biến va chạm trước sau, hai bản 2.0 AT chỉ có 4 cảm biến sau.
Đây là kiểu kinh doanh “có tâm” mà tôi đánh giá rất, rất cao: ngay cả bản 2.0 AT Tiêu chuẩn 615 triệu cũng có đầy đủ cảm biến lùi, camera lùi, cảm biến áp suất lốp, khởi động nút bấm, ABS, EBD, BA, Kiểm soát lực kéo TCS, Khởi hành ngang dốc, Hỗ trợ đổ đèo và đầy đủ 6 túi khí. Không phải ngẫu nhiên mà Hyundai vươn lên trở thành một thế lực thực sự ở Việt Nam – chọn xe Hyundai, người Việt Nam cảm nhận được sự tôn trọng khách hàng trong từng sản phẩm!
Một số hình ảnh khác về nội thất Hyundai Kona:
Trải nghiệm – đơn giản là số 1 phân khúc
“Xe Hàn lái chán lắm!” là lời ca thán mà tôi đã nghe nhiều lần. Không rõ những người dám nói câu này đã cầm lái bao nhiêu chiếc xe nhưng bằng trải nghiệm thực tế, tôi thấy điều đó hoàn toàn sai với Kona. Như đã hứa ở trên, tôi sẽ phân tích 3 thành phần cơ bản: khung gầm, động cơ, hộp số của Kona để thấy so với đối thủ, Hyunda Kona “chán” tới mức nào.
Khung gầm là thứ ít người quan tâm đến khi chọn xe nhưng lại vô cùng quan trọng. Bạn có thể xây 1 ngôi nhà vững chãi với nền móng bị “rút ruột” không? Kể từ khi chiếc xe có khung gầm hoàn toàn bằng kim loại đầu tiên được sản xuất tại Mỹ năm 1916, các nhà khoa học đã liên tục cải tiến thành phần cấu tạo của thép để đạt được những hợp kim cứng hơn, bền hơn nhằm xây dựng những chiếc xe an toàn hơn. Thời nay, dù thứ được quảng cáo nhiều nhất là các hệ thống an toàn điện tử tinh vi nhưng một trong những trang bị an toàn quan trọng nhất trên chiếc xe của bạn chính là phần khung được chế tạo hầu hết bằng thép.
Bước sang thế kỷ 21, thép dùng trong công nghiệp xe hơi càng ngày càng được cải thiện. Hồi đầu những năm 2000, độ bền kéo (tensile strength) của thép dùng trong sản xuất xe chỉ đạt khoảng 500 Megapascal (MPa). Ngày nay, những loại thép có độ bền kéo lên tới 1.500 MPa đang dần xuất hiện trong xe bình dân. Đó là độ bền kéo khủng tới nỗi bạn có thể đặt 4 chiếc xe bus 2 tầng lên 1 thanh thép có tiết diện 2,54 cm mà không uốn rách thanh thép đó!
Sự kết hợp nhiều loại thép với độ bền kéo khác nhau giúp các nhà thiết kế tạo ra những chiếc xe nhẹ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn nhưng lại an toàn hơn nhờ khả năng điều hướng lực va chạm khi có tai nạn. Ngày nay, những mẫu xe hiện đại có khoang cabin chế tạo từ loại thép cứng nhất mà chi phí sản xuất cho phép và phần đầu và đuôi xe được chú ý chế tạo từ thép mềm hơn để tạo nên những vùng co rụm. Nếu có va chạm, những tấm thép ở xa cabin nhất (và mềm nhất) sẽ hấp thụ năng lượng va chạm, những chi tiết gần cabin hơn được thiết kế với độ cứng tăng dần và cứng hơn nữa là vách ngăn khoang động cơ (firewall). Gần như mọi xung động sẽ bị vách ngăn này chặn đứng, bảo vệ khoang cabin với hành khách bên trong.
Hyundai là hãng xe duy nhất trên thế giới tự sản xuất thép dùng trên ô tô của họ. Đây là lợi thế vô cùng lớn và nó cho thấy sức mạnh khổng lồ của tập đoàn Hyundai Group chứ không chỉ riêng Hyundai Motors. Nhờ “tự cung tự cấp”, họ có thể chủ động tạo ra những loại thép phù hợp nhất với nhu cầu của mình mà không bị phụ thuộc vào những bên thứ ba. Trên chiếc Kona, 51,8% khung xe được chế tạo từ thép siêu cứng AHSS (Advanced High-Strength Steel) với độ bền kéo dao động từ 550 MPa đến 1.500 MPa và nhiều chi tiết được dập nóng để tăng cường khả năng chịu lực. Tất nhiên, đồ càng “hi-tech” thì chi phí sửa chữa càng đắt đỏ, tôi đã từng chứng kiến 1 chủ nhân siêu xe tại Việt Nam đã phải bỏ ra 50% giá trị xe để sửa xế cưng sau khi bị tai nạn, dù động cơ, hộp số không hỏng. Đắt như vậy phần lớn là vì bộ khung hybrid nhôm – các-bon là vô cùng đắt.
Phiên bản đắt nhất của Konaở Việt Nam có giá niêm yết 725 triệu đồng, rẻ hơn bản cao nhất của HR-V 146 triệu và đắt hơn Ford EcoSport 77 triệu đồng. Cá nhân tôi thấy 1 mức giá bán được coi là đắt hay rẻ thì còn tùy quan điểm mỗi người và tùy xem nếu bỏ ra chừng ấy tiền, khách hàng nhận được 1 chiếc xe có giá trị như thế nào.
Hyundai Kona có khung gầm rất giá trị và đi kèm là động cơ, hộp số cũng giá trị không kém. Phiên bản cao cấp nhất sở hữu động cơ 4 xy lanh 1.6 lít tăng áp cho công suất tối đa 177 mã lực tại 5.500 vòng/phút và lực mô-men xoắn cực đại 265 Nm trong khoảng tua vòng rất rộng, từ 1.500 đến 4.500 vòng/phút. Đây là những thông số đơn giản là vượt trội so với 2 đối thủ trực tiếp EcoSport và HR-V. Ngay cả 2 phiên bản thấp hơn cũng được trang bị động cơ xăng 2.0L chi kỳ Atkinson với 149 mã lực và 180 Nm. Tương tự, 2 bản thấp cũng được trang bị hộp số tự động 6 cấp, không có phiên bản nào sử dụng số sàn, trong khi bản cao cấp nhất có hộp số ly hợp kép 7 cấp.
Hãy bắt đầu trải nghiệm Hyundai Kona bằng những phép đo tăng tốc. Đạp thốc chân ga, chiếc xe hơi chồm lên và tăng tốc mãnh liệt đến nỗi khiến đèn báo hệ thống cân bằng điện tử nháy liên hồi. Thực sự tôi không nhớ nổi chiếc xe dưới 1 tỷ đồng nào có thể kích hoạt ESP khi tăng tốc thẳng! Tôi đã rất bất ngờ khi lần đầu tiên đạp thốc ga chiếc Kona, và máy đo GPS đã chứng minh hiệu năng “khủng khiếp” của nó. Cụ thể, Hyundai Kona chỉ cần 7,89 giây để chạm mốc 100 km/h, gia tốc khi tăng tốc thẳng lên tới 0.65G. Đây là những con số vô cùng ấn tượng, vượt xa những mẫu CUV cỡ B khác, vốn chỉ đạt thành tích xấp xỉ 10 giây. Ngay cả Honda Civic VTEC Turbo cũng phải cần tới 8,3 giây để chạm mốc 100 km/h!
HyundaiKona cũng chỉ cần 42 mét để giảm tốc từ 100 về 0 km/h, gia tốc đạt 0.52G. Đây cũng là những con số thuộc hàng tốt nhất phân khúc. Hiệu năng ấn tượng trên kết quả của động cơ 1.6 Turbo mạnh mẽ, hộp số ly hợp kép 7 cấp và cả bộ lốp Hankook Ventus Prime 3 kích cỡ 235/45 R18. Đây là những chiếc lốp lớn nhất phân khúc (lốp Honda HR-V cỡ 215/55 R17) và chúng mang lại lực bám đường tốt hơn cho Hyundai Kona. Một thông tin khá thú vị: cỡ lốp 235/45 R18 ở cả 4 bánh Hyunda Kona là giống hệt với cỡ lốp của Mercedes-Benz GLC250 4MATIC, thậm chí lốp trước của McLaren 675 LT cũng chỉ có tiết diện 235 mm! Có thể thấy, về mặt hiệu năng tăng tốc và giảm tốc, rõ ràng Hyundai Kona không có đối thủ tại Việt Nam.
Lốp to, vành lớn, chắc chắn ai đó sẽ lo lắng về độ ồn của Hyundai Kona khi vận hành. Bằng máy đo chuyên dụng, tôi đã đo được những chỉ số độ ồn như sau: khi xe đỗ bên đường có nhiều xe qua lại, máy nổ, điều hòa để 1 nấc gió, mức ồn là 49 dBA. Khi xe chạy ở tốc độ 60 km/h, độ ồn trung bình là 61 dBA, ở 80 km/h là 63 dBA và 64,5 dBA ở 100 km/h. Như vậy, khả năng cách âm của Hyundai Kona tốt hơn Honda HR-V và bạn vẫn có thể cải thiện khả năng cách âm của Kona với một bộ lốp cao cấp hơn, ví dụ như Bridgestone Turanza T005A chẳng hạn.
Lái xe trên cao tốc, mọi ưu điểm của Hyundai Kona được thể hiện rõ: máy mạnh, hộp số êm ái, cách âm tốt, hệ thống treo êm ái. Điều khiến tôi rất tự tin khi cầm lái Kona trên cao tốc là khả năng tăng tốc ở dải tốc độ cao. Tiến hành đo đạc, chiếc Kona chỉ cần đúng 3 giây để tăng tốc từ 80 lên 100 km/h, 3 giây! Đó là ưu điểm của một cỗ máy tăng áp khi so với những động cơ nạp khí tự nhiên. Cài Cruise Control, mở bài hát ưa thích, hệ thống 6 loa của Hyunda Kona với bộ chuyển đổi tín hiệu DAC của Arkamys cho trải nghiệm khá vừa tai với âm trầm tách bạch, không bị ù và giọng ca sĩ rõ ràng, sống động chứ không “phều phào” như qua bộ loa EcoSport.
Khi đi trong phố, chiếc Kona cũng rất linh hoạt với hộp số mượt mà và động cơ cho lực mô-men xoắn tối đa 265 Nm ở ngay tua máy 1.500 vòng/phút. Tuy nhiên, cảm giác vô lăng của Kona không thực sự thật tay như vô lăng Honda HR-V. Ở chế độ Comfort, nó quá nhẹ, nhẹ đến vô cảm và ở chế độ Sport, nó lại quá nặng đến mức giả tạo. Vô lăng của HR-V không thay đổi độ đầm ở các số D và S nhưng nó được căn chỉnh tốt, cho cảm giác vần vô lăng chân thật hơn Kona. Tuy vậy, nhìn chung thì trải nghiệm của Hyundai Kona “đã” hơn nhiều so với Honda HR-V.
Kết luận
Với giá bán từ 615 đến 725 triệu đồng, HyundaiKona là một lựa chọn quá hấp dẫn trong phân khúc CUV đô thị cỡ B. Nếu chọn bản thấp nhất, bạn vẫn có gần như đầy đủ các trang bị an toàn và có một chiếc xe mang lại rất nhiều giá trị cho từng đồng tiền bạn bỏ ra. Nếu chọn bản cao nhất, bạn đơn giản là sẽ sở hữu chiếc xe cho trải nghiệm thú vị và cảm xúc nhất phân khúc. Đừng hỏi vì sao doanh số Hyundai Kona bỏ xa phần còn lại, đơn giản vì nó là một ông hoàng hoàn toàn xứng đáng!
Điểm: 9/10
Ưu điểm:
- Trải nghiệm tốt nhất phân khúc
- Đầy đủ trang bị an toàn, dù là với phiên bản tiêu chuẩn
- Là sự kết hợp tuyệt vời giữa hiệu năng, trang bị, an toàn và thiết kế
Nhược điểm:
- Thiết kế quá trẻ trung và khác lạ, không phù hợp nhóm khách hàng trung niên
- Mác xe Hàn
- Không gian nội thất nhỏ hơn Honda HR-V
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)